Chín bộ, ngành đề nghị trả lại hơn 8.000 tỷ đồng kế hoạch vốn ODA

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính cho biết, đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% dự toán.

Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc trực tuyến và trao đổi với tất cả các chủ dự án của 13 bộ, ngành được giao kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) để rà soát, đôn đốc giải ngân, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện công tác kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn nếu đầy đủ hồ sơ. Tính đến 6/10/2021, Bộ Tài chính đã nhận được 620 bộ hồ sơ rút vốn của các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, việc giải ngân đầu tư công vốn ODA hiện nay rất chậm. Bộ Tài chính cho biếtThủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, trong đó nguồn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng (Bộ ngành là 16.637 tỷ đồng; địa phương: 34.913 tỷ đồng).

Các Bộ, ngành nhập dự toán trên hệ thống Tabmis đến hết tháng 9/2021 là 13.043 tỷ đồng, đạt 78%.

Đến 06/10/2021, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các Bộ ngành mới đạt 19,03%. Có 7/13 bộ, ngành chưa giải ngân được gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bộ Y tế, Bộ Công Thương, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 20%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có tỷ lệ giải ngân đạt 20% đến hơn 40%.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến giải ngân vốn đầu tư công

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến giải ngân vốn đầu tư công

Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các Bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các Bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Về phía các địa phương, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn ODA mới đạt 9,82% kế hoạch. Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kon Tum... chưa giải ngân được. Sơn La, Quảng Ninh, Phú Yên giải ngân dưới 1%. Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM là các địa phương được phân bổ nhiều vốn, nhưng tỷ lệ giải ngân cũng chưa cao.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù đã các cơ quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân, tuy nhiên với thời gian còn lại từ nay cho đến hết năm, việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 trên 95% kế hoạch được giao như mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP là không khả thi.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn ODA chậm là do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Ngoài ra, chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như: chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng; đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư, tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/ nội tệ, điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục.

Bên cạnh đó, công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.