Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang nguy hiểm

ANTD.VN - Cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang đầy nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ mang lại hậu quả khôn lường với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang nguy hiểm ảnh 1Việc chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại quy mô lớn giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay

Thị trường tài chính và chứng khoán toàn cầu đồng loạt rơi vào cơn rung lắc được đánh giá “điên đảo” khi vừa mở cửa ngày 6-8 do các cuộc tấn công trả đũa thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Trong động thái liên quan mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ vào chiều 5-8 theo giờ địa phương (tức rạng sáng 6-8 theo giờ Việt Nam) đã chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ với cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, theo sự ủy quyền của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ. Trước đó, cùng ngày 5-8, Tổng thống Donald Trump trong thông điệp trên mạng xã hội Twitter cũng đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi Bắc Kinh hạ giá đồng Nhân dân tệ, đồng thời cho rằng đây là “một sự vi phạm nghiêm trọng”.

Trong khi đó, việc Trung Quốc hạ giá đồng tiền từ mức khoảng 6,8 nhân dân tệ đổi 1 USD xuống còn 7,0391 nhân dân tệ/USD vào ngày 5-8 đã khiến tỷ lệ quy đổi giữa hai đồng tiền của Trung Quốc và Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2008. Tỷ lệ này tuy chưa có nhiều ý nghĩa về kinh tế song mang giá trị biểu trưng cao, mà theo nhận định của giới chuyên gia là có khả năng làm xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa hai nước.

Đáng chú ý, “cú đấm” hạ giá đồng Nhân dân tệ diễn ra ngay sau “cú đá” nặng ký cấm nhập nông sản Mỹ của Trung Quốc đưa ra cùng ngày 5-8. Hạ giá đồng Nhân dân tệ và cấm nhập nông sản Mỹ được cho là những đòn phản kích đầu tiên với quyết định tăng thuế lên 10% đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc nhập vào Mỹ kể từ ngày 1-9 tới của Tổng thống Donald Trump.

Trong số các đòn tấn công trả đũa của  cuộc chiến thương mại đang ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động lớn và đầy nguy hiểm là việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ và Trung Quốc cấm nhập nông sản Mỹ. Với “danh sách đen” thao túng tiền tệ, Washington có thể áp dụng Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus, theo đó cho phép Tổng thống Mỹ ra quyết định hạn chế nhập hàng hóa Trung Quốc nếu xét thấy hàng hóa nhập khẩu từ những nước này gây tổn hại đến thị trường Mỹ. Đồng thời, Mỹ sẽ ngừng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty của Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc, trong khi các công ty Trung Quốc cũng không thể tham gia những dự án hợp tác lớn tại thị trường Mỹ, dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí có thể phải rút khỏi thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ tăng cường giám sát đồng Nhân dân tệ, còn Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa bổ sung nhằm vào Trung Quốc. Tất cả những biện pháp trên đây sẽ tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu cũng như các thị trường khu vực.

Không mang giá trị tuyệt đối lớn nhưng việc Trung Quốc cấm nhập nông sản lại tác động dây chuyền hết sức lớn tới nền chính trị Mỹ. Hàng triệu nông dân Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề từ quyết định này lại có tiếng nói, lá phiếu rất quan trọng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào tại Mỹ.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất của những đòn tấn công và trả đũa giữa Mỹ là nguy cơ vượt tầm kiểm soát, dẫn tới cuộc chiến tranh kinh tế “lưỡng bại câu thương” không chỉ cho Mỹ và Trung Quốc mà nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí, có chuyên gia đã so sánh những gì đang diễn ra trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với bối cảnh giai đoạn trước Đại Suy thoái năm 1930, từ Mỹ lan rộng sang châu Âu, phá hủy kinh tế toàn cầu, trước hết là các nước phát triển.