Chiến thuật của Thủ tướng Angela Merkel khi “làm bạn” với Tổng thống Putin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chuyến thăm tạm biệt của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới điện Kremlin vào ngày 20-8 đánh dấu sự kết thúc của một trong những mối quan hệ chính trị lâu đời và phức tạp nhất của châu Âu, một cuộc giằng co căng thẳng kéo dài 15 năm giữa bà Merkel - một chính khách lớn tuổi của châu Âu với đối thủ chính của EU - Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và kỷ niệm khó quên tại cuộc gặp ông Putin ở Sochi năm 2012

Thủ tướng Đức Angela Merkel và kỷ niệm khó quên tại cuộc gặp ông Putin ở Sochi năm 2012

Mối quan hệ đặc biệt

Hôm 20-8, bà Merkel đến Nga trong chuyến thăm lần thứ 20 và cũng là lần cuối cùng trước khi từ chức sau cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. Cuộc gặp gỡ đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên khi mà ông Putin là nhà lãnh đạo G20 duy nhất còn tại nhiệm kể từ khi bà Merkel tiếp quản vị trí lãnh đạo hàng đầu nước Đức. Mặc dù trải qua những thời điểm rất căng thẳng, mối quan hệ của họ chưa bao giờ rạn nứt. Tờ Süddeutsche Zeitung của Đức đã viết trong một bài báo trước hội nghị thượng đỉnh hôm 20-8: “Không có chính trị gia nào khác trên toàn cầu giỏi đối mặt với tệ hại trong một thời gian dài như hai người này”.

Cả hai nhà lãnh đạo đáng gờm, phong cách chính trị xung đột và luôn trong trạng thái phải thăm dò quan điểm của đối phương, thế nhưng những điều đó đủ khiến cho các cuộc hội đàm của họ trở nên hấp dẫn. Xuất phát điểm, họ ở hai đầu đối lập. Bà Merkel là công dân Đông Đức khao khát được nếm trải tự do, còn ông Putin là một cựu điệp viên KGB đóng quân ở đó và chứng kiến chế độ của nước này sụp đổ. Thủ tướng Đức được cho là đã không tin tưởng vào cựu sĩ quan KGB ngay từ lần đầu ông xuất hiện trước Hạ viện vào năm 2001, nơi ông đã dùng tiếng Đức một cách cực kỳ thông thạo để thuyết phục các nghị sĩ đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Cả hai không bao giờ tỏ ra quá thoải mái khi trò chuyện, dù họ đều thông thạo ngôn ngữ của nhau - cả tiếng Đức và tiếng Nga.

Sự cảnh giác của bà Merkel đối với ông Putin là dễ hiểu bởi trong 15 năm qua đã xảy ra khá nhiều sự kiện, từ việc Nga sáp nhập Crimea đến cáo buộc Nga đầu độc chính trị gia đối lập. Cũng có những lý do cá nhân không đáng có, đơn cử như sự cố vào năm 2007 khi Tổng thống Putin cho phép chú chó Koni tiếp cận bà Merkel khi mà bà là người người mắc chứng sợ chó.

Người mà ông Putin không thể hù dọa

Đó là chuyến công du thứ hai của bà Merkel tới Nga, lần này là tới dinh thự mùa hè ở Sochi của ông Putin. Giữa cuộc trò chuyện của họ, một con chó Labrador đen tên Koni to lớn chạy tới. Nó đi tới chỗ bà Merkel và có vẻ khó chịu, thỉnh thoảng khịt khịt mũi đáng ngờ. “Tôi không nghĩ con chó sẽ làm bà sợ” - ông Putin nói khi kéo Koni đi.

Nhưng hóa ra, bà Merkel từng bị chó cắn và rất sợ khi chúng đến gần. “Tôi nghĩ rằng, mặc dù Tổng thống Nga biết rất rõ tôi không thực sự háo hức gặp con chó của ông ấy, nhưng ông ấy đã mang nó theo. Bạn có thể thấy tôi đã cố gắng tỏ ra dũng cảm như thế nào, bằng cách nhìn về hướng của ông Putin chứ không phải con chó” - bà kể với nhật báo Sueddeutsche Zeitung.

Chiến thuật của người xuất thân từ nhà hóa học này hiệu quả đến mức bà được mệnh danh là người phụ nữ mà ngay cả Putin cũng không thể hù dọa. Và đó là công thức của Merkel để đối phó với Putin, bằng sự lạnh lùng bất chấp khó chịu, tập trung vào đối phương, đôi khi xen lẫn với sự thích thú yên tĩnh.

Khi bước vào giai đoạn hoàng hôn của nhiệm kỳ, nhiều người tin rằng bà Merkel sẽ tìm kiếm bước đột phá trong các cuộc đàm phán về xung đột ở Ukraine tại cuộc gặp lần cuối với ông Putin, vì các vấn đề liên quan đến Ukraine chính là chủ điểm gây chia rẽ giữa phương Tây và Nga. Các nhà phê bình khác cho rằng, bà Merkel quá mềm mỏng với Nga bởi trong khi nhiều nước phương Tây tìm cách cô lập Nga, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các quốc gia EU duy trì đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga. Thủ tướng Đức luôn giữ quan điểm không bao giờ cắt đứt các cuộc đàm phán trực tiếp với Putin, ngay cả khi những cuộc thảo luận đó có thể trở nên căng thẳng. “Tình bạn của chúng tôi sẽ không tốt hơn nếu cứ giấu kín mọi chuyện kiểu như quét nhà mà hất mọi thứ xuống dưới thảm và không nói gì” - Thủ tướng Angela Merkel từng nói.

Chiến thuật của Thủ tướng Đức Angela Merkel hiệu quả đến mức bà được mệnh danh là người phụ nữ mà ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không thể hù dọa. Và đó là công thức của bà Merkel để đối phó với ông Putin, bằng sự lạnh lùng bất chấp khó chịu, tập trung vào đối phương, đôi khi xen lẫn với sự thích thú yên tĩnh.