Chiến hạm Nhật đến Myanmar: Vòng vây Trung Quốc đang dần xiết lại

ANTĐ - Ngày 30-9, đội tàu chiến của Lực lượng Hải quân phòng vệ Nhật Bản (MSDF), trong chuyến hành trình vòng quanh thế giới, đã tới Myanmar, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày, đánh dấu lần đầu tiên các tàu của MSDF cập cảng nước này.

Ba tàu chiến của Nhật, gồm Kashima TV-3508, Shirayuki TV-3517 và Isoyuki DD-127 dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Fumiyuki Kitagawa, đã được giới chức Hải quân Myanmar, do Thiếu tướng Maung Oo Lwin dẫn đầu, đón tiếp tại cảng Thilawa, cách Yangon 25km về phía Nam. Trước đó, các tàu này đã đến thăm các cảng ở Mỹ và các nước châu Âu. Dự kiến, sau Myanmar, đội tàu của Nhật Bản sẽ đến thăm Campuchia.

Các tàu huấn luyện Kashima TV-3508, Shirayuki TV-3517 và tàu khu trục hộ tống Isoyuki DD-127 cùng với 730 nhân viên MSDF, trong đó có 180 học viên hải quân, đang thực hiện chuyến hành trình vòng quanh thế giới từ hồi tháng 5. Yangon là điểm đến thứ 17 của đội tàu Hải quân phòng vệ Nhật Bản kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình.

Phát biểu sau lễ đón tiếp, Chuẩn Đô đốc Kitagawa cho biết, chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh hàng hải, cũng như tăng cường giao lưu và tình hữu nghị. Ông nói: “Mặc dù chúng tôi chưa có kế hoạch triển khai các cuộc diễn tập hải quân chung giữa hai nước, nhưng hai bên sẵn sàng tiến hành các hoạt động như vậy trong tương lai gần”.

Chiến hạm Nhật đến Myanmar: Vòng vây Trung Quốc đang dần xiết lại ảnh 1

Chiến hạm Nhật cập cảng Myanmar


Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế với Myanmar, kể từ khi chính phủ dân sự do Tổng thống Thein Sein đứng đầu nắm quyền từ năm 2011 và hiện đang tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh với nước này. Động thái “ngoại giao chiến hạm” này được các nhà phân tích chính trị thế giới xem như là một nỗ lực, để chống lại sự ảnh hưởng trên biển của Trung Quốc tại khu vực này.

Từ đầu năm đến nay, liên tiếp các chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và Thủ tướng Shinzo Abe đến Myanmar, đã cho thấy quyết tâm của Nhật, hòng nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực được coi là sân sau của Trung Quốc. Đầu tiên, hai nước đã tập trung thảo luận phương hướng hợp tác về tất cả các vấn đề đầu tư kinh tế, thương mại song phương, sau đó cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng, có tính chất then chốt trong hợp tác chiến lược Nhật Bản - Myanmar là việc Nhật quyết định triển khai đầu tư quy mô lớn vào Myanmar, chuyển dịch các cơ sở kinh tế Nhật từ Trung Quốc sang Myanmar; nhằm nâng cao quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, tạo thế đứng chân vững chắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Nhật, đẩy lùi phạm vi thế lực của Trung Quốc không chỉ ở Myanmar, mà còn ở các nước xung quanh như Lào và Campuchia.

Chiến hạm Nhật đến Myanmar: Vòng vây Trung Quốc đang dần xiết lại ảnh 2

Trung Quốc đã viện trợ cho Myanmar tàu hộ vệ tên lửa cũ, lớp 053H1


Sau cuộc cách mạng dân chủ “Mùa xuân Myanmar”, Tổng thống Thein Sein đã chuyển hướng quan hệ ngoại giao sang phương Tây, lập tức trong 3 dự án đầu tư lớn của Trung Quốc vào Myanmar, phát sinh 2 vấn đề nổi cộm: kế hoạch xây dựng đập nước khổng lồ Myitsone trên sông Irawadi, có tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD đã bị đình chỉ, dự án khai thác mỏ đồng do tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc đảm nhận ở núi Latbadaung - Thành phố Monywa, vùng Sagaing trị giá 1 tỷ USD, cũng phải ngừng khai thác.

Tận dụng thời cơ này, Nhật Bản đã phát triển ảnh hưởng sang Myanmar, chỉ tính riêng năm tài khóa 2011-2012, kim ngạch mậu dịch song phương giữa Nhật Bản và Myanmar đã lên đến 822 triệu USD, tăng 60% so với năm trước. Ngoài ra, trước tình hình quan hệ song phương Trung - Nhật gia tăng bất đồng sâu sắc, chính phủ Nhật Bản đã quyết định từng bước thoái vốn đầu tư ở Trung Quốc, chuyển hướng đầu tư sang Myanmar và một số quốc gia Đông Nam Á đang “hục hặc” với Bắc Kinh.

Chiến hạm Nhật đến Myanmar: Vòng vây Trung Quốc đang dần xiết lại ảnh 3

Trung Quốc cũng đã viện trợ cho Myanmar máy bay cường kích cũ Q-5I 


Quả thực là người Nhật đã lấy “gậy ông đập lưng ông”, vận dụng tuyệt vời kế “Nhất tiễn song điêu” trong binh pháp Tôn Tử của chính Trung Quốc, một mặt phá hoại nền kinh tế Trung Quốc, mặt khác lấy lòng các quốc gia Đông Nam Á, đẩy lùi sự ảnh hưởng của Bắc Kinh khỏi ASEAN, lôi kéo một số nước vào trục liên minh Mỹ - Nhật, hình thành vòng vây cô lập Trung Quốc chạy suốt từ Ấn Độ cho đến Myanmar và Campuchia.

Một khi Nhật Bản tạo lập được thế đứng chân vững chắc ở Myanmar, điều kiện địa - chính trị xung quanh Trung Quốc sẽ xấu đi nghiêm trọng. Thêm vào đó, Nhật còn đang tích cực bắt tay hợp tác với NATO, đồng thời lôi kéo các quốc gia khác trong khối ASEAN có tranh chấp trên biển với Trung Quốc hình thành khối liên minh đối phó với Bắc Kinh, trong tương lai các hội nghị ASEAN mở rộng 10+3 (thêm Trung, Nhật, Hàn) sẽ là các “diễn đàn lên án” Trung Quốc.

Khi đó, Trung Quốc sẽ bị cô lập, khi biên giới trên bộ với Ấn Độ, Myanmar không được bảo đảm, Philippines và Nhật hành động cứng rắn trên biển Đông và biển Hoa Đông. Thêm vào đó là sự hiện diện thường trực của Mỹ ở Nhật và Philippines, đã tạo thế bao vây Trung Quốc từ bốn phương, tám hướng. Có thể nói là vòng vây cô lập Trung Quốc đã hình thành và đang từ từ siết lại.