Chiến dịch thầm lặng của những người lính “đi trước về sau”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngay trong ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 272 cán bộ chiến sỹ từ các phòng nghiệp vụ và công an 12 quận của Hà Nội đã hội quân tại trụ sở CATP để bắt đầu chiến dịch “làm sạch” tàng thư căn cước can phạm.

Thần tốc, thần tốc hơn nữa

Chiều 7-2, trong buổi kiểm tra tiến độ chiến dịch “làm sạch” Cơ sở dữ liệu căn cước can phạm, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội nêu rõ, ngay từ khi tiếp nhận chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về triển khai chiến dịch, CATP Hà Nội đã tạo mọi điều kiện cho lực lượng Hồ sơ CATP về phương tiện, máy móc, con người để hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 28-2. Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội nhấn mạnh, thời gian thực hiện chiến dịch kéo dài 1 tháng, Phòng Hồ sơ cần tranh thủ thời gian, phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội rà soát cập nhật liên tục vào hệ thống trên tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, tránh tình trạng ùn tắc, chậm trễ; phối hợp với Cơ quan CSĐT, Tòa án, Viện kiểm sát các cấp hoàn thiện dữ liệu đầu vào.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội kiểm tra công tác làm sạch cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm tại trụ sở Phòng Hồ sơ ngày mùng 7 Tết Nguyên đán

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội kiểm tra công tác làm sạch cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm tại trụ sở Phòng Hồ sơ ngày mùng 7 Tết Nguyên đán

Phòng Hồ sơ đã tham mưu Ban Giám đốc CATP chỉ đạo các đơn vị khẩn trương bố trí đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực cho việc đẩy nhanh tiến độ “làm sạch” Cơ sở dữ liệu căn cước can phạm. Ngay trong ca trực đêm Giao thừa, toàn bộ CBCS Phòng Hồ sơ từ người đứng đầu đến cán bộ trẻ nhất cũng đã thể hiện một quyết tâm cao, tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, tranh thủ tất cả những dữ liệu hiện có để hoàn thành nhiệm vụ.

Việc rà soát, chấn chỉnh, bổ sung thông tin, làm sạch Cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm là cơ sở quan trọng để kết nối, tích hợp thông tin đối tượng bị lập căn cước can phạm với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua khóa kết nối là số định danh cá nhân, giúp công an các đơn vị, địa phương thu thập, tích hợp thông tin về đối tượng được đầy đủ, chính xác phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và các mặt công tác nghiệp vụ khác của lực lượng CAND. Gác lại những chương trình du xuân, bắt tay vào một nhiệm vụ “khô cứng”, nhưng những CBCS tăng cường và những CBCS Phòng Hồ sơ CATP Hà Nội vẫn đang “vào trận” với tâm thế hết sức thoải mái, làm đến đâu chắc đến đó.

Theo Trung tá Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng phòng Hồ sơ, để phục vụ chiến dịch, CATP đã bố trí 141 máy tính trạm được kết nối với đường truyền máy tính chủ có kết nối dữ liệu với Cục Hồ sơ (Bộ Công an) để theo dõi tiến độ, thực hiện cập nhật theo giờ, ngày. Các máy tính đã được các phòng nghiệp vụ có chuyên môn đảm bảo kiểm tra an ninh, an toàn và “làm sạch” máy tính trạm trước khi đưa vào sử dụng cho việc đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, CATP đã bố trí 4 trụ sở thuộc CATP để thực hiện lắp đặt 141 máy tính cùng bàn ghế, vật tư... đảm bảo CBCS thực hiện cập nhật, rà soát, “làm sạch” Cơ sở dữ liệu căn cước can phạm trong thời gian thực hiện đẩy nhanh tiến độ.

Giám đốc CATP cũng đã ký quyết định điều động tạm thời bổ sung, tăng cường có thời hạn 272 cán bộ từ công an 12 quận, một số phòng nghiệp vụ, nhất là các khối điều tra nhằm đảm bảo đúng tiêu chí yêu cầu. Đúng 8h30 ngày 6-2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), toàn bộ số CBCS này cùng CBCS Phòng Hồ sơ đã chính thức hội quân, nghe phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tại Hội trường lớn trụ sở CATP và bắt tay vào việc rà soát, nhập dữ liệu từ 7h ngày 7-2.

Những ngôi sao ban đêm

Ngày 12-2 là ngày nghỉ cuối tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán nhưng cũng là ngày Thượng úy Nguyễn Thị Thu, cán bộ CAP Cầu Diễn chuyển từ ca ngày sang ca đêm sau 5 ngày liên tiếp cùng các đồng đội làm nhiệm vụ tăng cường tại Phòng Hồ sơ. Thượng úy Thu chia sẻ, là cán bộ nữ làm nhiệm vụ nội cần ở CAP, được sự ưu ái của đồng đội nên chị cũng ít khi lâm vào cảnh đi sớm về khuya. Khi có công văn triệu tập cán bộ tăng cường, dù biết vất vả nhưng chị sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Một ngày làm việc của CBCS tăng cường được chia làm 2 ca, ca sáng từ 7h đến 15h, ca chiều từ 15h đến 22h. Sau 5 ngày làm ca sáng sẽ đến 5 ngày làm ca chiều và luân phiên đổi ca cho nhau. Mỗi CBCS khi thực hiện thao tác trên máy đều được cấp tài khoản, mã đăng nhập, đảm bảo việc theo dõi, cập nhật, kèm theo đó là yêu cầu “rõ người, rõ trách nhiệm” khi thực hiện các thao tác rà soát, nhập, thay đổi dữ liệu của mỗi cán bộ làm nhiệm vụ.

Thượng úy Nguyễn Thị Thu từng công tác trong khối an ninh tại Công an tỉnh Vĩnh Long, đầu năm 2020 chị ra Hà Nội kết hôn với một người bạn đồng hương ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Để thuận lợi cho công việc, vợ chồng chị thuê nhà gần nơi chị công tác, nhưng khi đi tăng cường, nó không còn gần gũi như thế. Để đảm bảo cho việc điểm danh trước 15 phút mỗi ca làm việc, Thượng úy Nguyễn Thị Thu phải rời nhà từ 6h, vượt quãng đường gần 20km để đến trụ sở. “Cũng may em chưa có con, chồng em cũng thông cảm và ủng hộ việc em tham gia chiến dịch. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các đồng nghiệp, em cũng đã nhanh chóng quen việc, đẩy nhanh tiến độ và hy vọng được góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp chiến dịch thành công, hoàn thành chỉ tiêu đúng tiến độ” - Thượng úy Nguyễn Thị Thu tâm sự.

Các cán bộ chiến sỹ miệt mài bên những trang hồ sơ

Các cán bộ chiến sỹ miệt mài bên những trang hồ sơ

Kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo Trung tá Phạm Thị Thùy Dương, thông tin đối tượng trong Cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm phải được bổ sung, cập nhật đầy đủ kết quả điều tra, xử lý theo phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”. Cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm phải đồng bộ, thống nhất thông tin với hồ sơ, tài liệu đã lưu trữ; đồng bộ giữa Cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm ở Trung ương và địa phương, giữa cơ quan hồ sơ và đơn vị nghiệp vụ; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc rà soát, chấn chỉnh, bổ sung thông tin, làm sạch Cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm là cơ sở quan trọng để kết nối, tích hợp thông tin đối tượng bị lập căn cước can phạm với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua khóa kết nối là số định danh cá nhân, giúp công an các đơn vị, địa phương thu thập, tích hợp thông tin về đối tượng được đầy đủ, chính xác phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và các mặt công tác nghiệp vụ khác của lực lượng CAND. “Do đó, quá trình tiến hành làm sạch Cơ sở dữ liệu căn cước can phạm đặt ra yêu cầu phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an, không ảnh hưởng đến công tác thường xuyên, đồng thời phải đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Công an” - chỉ huy Phòng Hồ sơ thông tin.

Theo đó, các CBCS khi thực hiện nhiệm vụ rà soát, bổ sung, làm sạch thông tin trong Cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm cần bổ sung đầy đủ các trường thông tin còn thiếu trên danh bản; bổ sung thông tin, diễn biến, kết quả xử lý vào tàng thư và Cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm trên cơ sở từ các hệ thống tàng thư, hồ sơ, cơ sở dữ liệu khác do đơn vị đang quản lý, khai thác. Trường hợp chưa thể có dữ liệu chính xác hoặc còn thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm, phải phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Viện Kiểm sát, Tòa án cùng cấp... các đơn vị, cơ quan chức năng khác để tổ chức, xác minh bổ sung kịp thời, đầy đủ.

Gác lại những chương trình du xuân, bắt tay vào một nhiệm vụ “khô cứng”, nhưng những CBCS tăng cường và những CBCS Phòng Hồ sơ CATP Hà Nội vẫn đang “vào trận” với tâm thế hết sức thoải mái, làm đến đâu chắc đến đó.