Chiếc đồng hồ đặc biệt chống ô nhiễm tiếng ồn

ANTĐ - Với nỗ lực giảm ô nhiễm tiếng ồn, hai nhóm nghiên cứu ở Mumbai (Ấn Độ) đã chế tạo ra “đồng hồ đo thời lượng sử dụng còi“ và “Chiếc đèn hình mặt mếu“ khiến các lái xe hạn chế bấm còi.

Chiếc đèn hình mặt mếu sẽ phát sáng nếu người điều khiển xe bấm còi

Thiết bị thứ nhất là “đồng hồ đo thời lượng sử dụng còi“ (Oren horn usage meter) giúp người lái xe hạn chế bấm còi. Thông qua một cảnh báo (dạng đèn flash) trên bảng điều khiển của chiếc xe (chuyển từ màu xanh sang vàng và cuối cùng là màu đỏ), người điều khiển xe có thể nhìn thấy lượng thời gian họ đã bấm còi. Nếu một lái xe sử dụng còi quá mức qui định, cảnh sát có thể phạt người lái xe đó. 

Kỹ sư Jayraj Salgaonkar, một thành viên trong nhóm sáng chế cho biết, quy tắc hoạt động của chiếc đồng hồ đặc biệt này giống như một thẻ điện thoại trả trước. Hiện, ông đang đàm phán với giới chức Ấn Độ đưa thiết bị này vào sử dụng ở quy mô toàn thành phố Mumbai.

Thiết bị thứ hai có tên gọi “Dự án Bíp Bíp“ (Project Bleep) là một chiếc nút bấm màu đỏ, có in hình mặt mếu và cau có được gắn trên bảng điều khiển xe. Theo đó, mỗi khi người cầm lái xe bấm còi, chiếc đèn này sẽ đỏ lên với khuôn mặt xị ra để “báo anh ta vừa bấm còi và khiến anh ta phải xem xét lại hành động của mình” - Mayur Tekchandaney, một kỹ sư của dự án, cho biết. Theo kết quả khảo sát trên hơn 30 xe hơi trong vòng 6 tháng, chiếc đèn mặt mếu đã làm giảm 61% số lần sử dụng còi xe. 

Hiện nay, thành phố Mumbai có khoảng 12 triệu người, nhưng có tới 900.000 xe ô tô, 10.000 xe buýt và 2 triệu xe máy lưu thông hàng ngày. Với 3 triệu chiếc xe chen chúc chật cứng mỗi ngày như thế, ngoài tiếng ồn của động cơ, tiếng ken két của phanh xe, người dân nơi đây còn phải chịu đựng âm thanh khó chịu của những chiếc còi xe ôtô.

Trong khi đó, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người tiếp xúc với âm thanh cường độ lớn vượt quá  85 decibel (đơn vị đo cường độ âm thanh), sẽ bị giảm thính lực, bệnh cao huyết áp và thậm chí cả bệnh tim. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, ô nhiễm tiếng ồn đang tác động tiêu cực đến học sinh và bệnh nhân, góp phần làm tăng căng thẳng và các bệnh về tim mạch, gây điếc liên quan tới tuổi tác sớm hơn 15 năm so với bình thường. 

Theo những người đứng đầu dự án, nếu các thiết bị của họ được đưa vào sử dụng rộng rãi thì có thể nâng cao nhận thức của lái xe về hành động bấm còi xe quá mức, giảm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, nhờ đó người dân ở Mumbai nói riêng và Ấn Độ nói chung có thể giảm một phần chi phí không nhỏ cho y tế, cuộc sống cũng trở nên yên tĩnh, trong lành hơn.