Chỉ trích sai phạm thì dễ, nhưng việc cần làm là phải vực dậy ngành y

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ riêng một vụ Việt Á đã có rất nhiều cán bộ ngành y, từ cấp chức vụ nhỏ đến lãnh đạo cấp bộ dính vào lao lý, song ngoài nguyên do từ chính cá nhân họ thì cái gốc sâu xa là cơ chế. Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ cảm xúc buồn rầu, đau xót cho ngành y, nhưng cũng mong nhân dân thông cảm và động viên để các y bác sỹ, cán bộ y tế tiếp tục đứng vững, phát triển.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: Nguyên nhân sâu xa là cơ chế…

Là một ĐBQH nhưng cũng là người công tác trong ngành y, nhiều năm làm lãnh đạo bệnh viện Trung ương, tôi thực sự mong cộng đồng, nhân dân thông cảm, chia sẻ với ngành y lúc này để cho đội ngũ y bác sĩ vững vàng trở lại. Nếu thấy sai trái mà chỉ đả kích thì rất dễ. Nhưng tôi muốn nói rất thật là sự chia sẻ với ngành y lúc này là vô cùng cần thiết để những cán bộ quản lý trong ngành bình tâm trở lại. Suy cho cùng, lợi ích cho người bệnh vẫn là trên hết. Nếu để cán bộ quản lý ngành y còn lo lắng, ngần ngại như hiện nay thì tác hại, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là đến người bệnh.

Cán bộ y tế được cử làm quản lý, không phải tất cả đều xấu. Nhưng vì lâu nay chúng ta thiếu một hành lang pháp lý chuẩn mực, đầy đủ, nên có những việc khi làm bị vướng, khi làm bị sai. Nhất là “chống dịch như chống giặc”, “cứu người như cứu hỏa” rất gấp gáp nên dễ bị sai. Tôi cũng không loại trừ có những người khi được bổ nhiệm rất tốt, nhưng trong quá trình làm việc, họ thấy được kẽ hở của pháp luật nên tính xấu nổi lên, dẫn đến những việc làm sai trái. Tôi không bào chữa cho cái đó vì họ đã bị xử lý thích đáng. Do vậy, tôi mong việc sửa luật thật chặt chẽ để không còn những kẽ hở cho những cán bộ quản lý trong ngành y tế thực hiện những việc sai trái.

Có một thực tế phổ biến lúc này mà báo chí, dư luận cũng đã phản ánh, đó là các bệnh viện công trên toàn quốc hiện nay đang thiếu vật tư, thiết bị y tế, thiếu thuốc men, sinh phẩm... Nguyên nhân là do các giám đốc bệnh viện không mặn mà, thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Nhiều người cho rằng, hiện có nhiều cán bộ y tế sai phạm dẫn đến cán bộ y tế đương chức sợ không dám làm. Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng trên là trong hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp so với thực tế. Một phần là do cơ chế đang bị thiếu nên nếu làm thì sẽ vi phạm, chứ không phải là họ sợ. Theo tôi, về lâu dài thì phải rà soát tất cả hệ thống pháp luật, như Luật Khám chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Y học dự phòng… nếu thấy chỗ nào chưa phù hợp với thực tiễn, thậm chí còn kẽ hở thì phải sửa.

Hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn ngày đêm vất vả khám chữa bệnh cứu người

Hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn ngày đêm vất vả khám chữa bệnh cứu người

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Không thể vì sai phạm của một số cá nhân mà để ngành tê liệt

Đại dịch Covid-19 đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành y tế. Dù công đầu thuộc về các cán bộ y tế nhưng giờ đây, chính họ trong “thời bình” lại vô cùng hoang mang khi những biến cố liên tục xảy ra. Do đó cũng có thể nói, dịch bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, nhưng ngành y bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất. Hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức, những sai lầm đã phải trả giá theo nguyên tắc công tội phân minh. Những “con sâu” đã bị gạt bỏ ra khỏi hệ thống, nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng vì đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh.

Vấn đề đặt ra là, sau cơn bão lớn, việc phục hồi phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một ngành tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm đấu thầu trang thiết bị, vật tư, thuốc men không được cải thiện mà còn tệ hơn, thậm chí có thể coi là nguy hiểm. Do đó, đề nghị Quốc hội sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; giám sát Chính phủ ban hành sớm các nghị định, thông tư tháo gỡ những vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế. Sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Ngành y tế chao đảo thì chính người bệnh chịu thiệt thòi

Vụ Việt Á là một scandal rất lớn trong ngành y, để lại hệ lụy khủng khiếp chưa từng có tiền lệ. Từ người đứng đầu ngành đến nhiều lãnh đạo ngành y tế ở các địa phương dính lao lý, nó mang đến tâm lý nặng nề, buồn bã, cả đau đớn đối với những người công tác trong ngành y.

Ai có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, xử lý đến nơi đến chốn. Song chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một cách rạch ròi, khách quan, công minh. Ai có tội phải xử nhưng có công phải khen. Những người sai phạm trong ngành y dẫu sao cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn lại hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn ngày đêm khám chữa bệnh cứu người thì họ vẫn cần phải được tôn trọng đúng mực. Tôi cho rằng, càng những lúc như thế này, càng cần phải có sự quan tâm, động viên của các cấp các ngành, chính quyền các địa phương với ngành y, để giúp ngành y vượt qua khó khăn và tránh tâm lý sụp đổ, buồn bã, không ai muốn làm, không ai dám làm gì. Ít nhất thì cũng phải để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ở đúng tâm thế của mình để họ yên tâm công tác.

Ngành y chao đảo thì chính người bệnh là đối tượng phải chịu thiệt thòi. Y bác sĩ chao đảo, dao động thì sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Thế nên càng lúc này càng rất cần sự động viên với ngành y, với những cán bộ nhân viên y tế, cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là phải tạo mọi điều kiện để ngành y hoạt động.