Đây là những con số được nêu ra tại Kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: “Các cuộc khảo sát cho thấy mức độ tham nhũng cao trong giáo dục, hệ thống y tế, quản lý đất đai và nhiều lĩnh vực khác. Nỗ lực giải quyết những thách thức như an toàn giao thông, giáo dục, y tế và ô nhiễm môi trường mà không đồng thời giải quyết nạn tham nhũng hiện đang làm giảm sự công bằng và hiệu quả trong các hệ thống đó, cũng giống như cố gắng nuôi dưỡng cây nhưng lại bỏ qua các căn bệnh bắt nguồn từ gốc rễ”.
Theo khảo sát trong vòng 1 năm, có 5% doanh nghiệp nhận được đề nghị bán tài sản giá rẻ hoặc cho cá nhân công chức thuê tài sản và máy móc thiết bị. Tỷ lệ số doanh nghiệp nhận được đề nghị chi trả cho cán bộ công chức các chi phí nghiên cứu, tham quan hoặc chi tiêu cá nhân ở mức cao hơn một chút. 8% số doanh nghiệp trong diện khảo sát nhận được đề nghị tuyển dụng họ hàng hoặc người thân của cán bộ công chức. 15% số doanh nghiệp đã trải qua tình huống cán bộ công chức lợi dụng quyền lực, tên tuổi hoặc uy tín đơn vị để gợi ý doanh nghiệp trả tiền hoặc tặng quà cho họ.
Các doanh nghiệp cho rằng, nếu không đáp ứng các yêu cầu từ phía cán bộ nhà nước thì họ có thể gặp phải tình trạng cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc hoặc không được hướng dẫn cụ thể thủ tục mà thay vào đó là cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho biết, cán bộ công chức còn dựa vào các quy định không chặt chẽ, thiếu rõ ràng để bắt bí doanh nghiệp.
Khi gặp các khó khăn trên, 78% doanh nghiệp chọn cách tiếp tục chờ đợi và 86% doanh nghiệp đưa ra các lý lẽ thuyết phục để cơ quan quản lý giải quyết. Nhưng cũng có tới 51% doanh nghiệp nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết vấn đề và 59% doanh nghiệp chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết. Trong khi đó, chỉ có 13% doanh nghiệp tìm đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và có chưa tới 6% doanh nghiệp đề nghị cơ quan báo chí can thiệp.
Nhiều doanh nghiệp dính líu vào tham nhũng như một cách giải quyết công việc thuận tiện. 60% doanh nghiệp được hỏi tin rằng chi phí không chính thức khá tốn kém. Tuy nhiên, 50% cho rằng lợi ích từ chi phí không chính thức lớn hơn so với chi phí bỏ ra. 63% doanh nghiệp tin rằng chi phí không chính thức tạo ra “cơ chế ngầm” giải quyết được công việc một cách nhanh chóng và khiến cán bộ tích cực thực hiện công việc. Từ cách nhìn ngắn hạn của doanh nghiệp, việc trả chi phí không chính thức mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc không trả chi phí. Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp đưa hối lộ không kinh doanh tốt hơn so với các doanh nghiệp không làm việc này. Tính trung bình, các doanh nghiệp đưa hối lộ trên thực tế tăng trưởng chậm hơn.
Bà Kwakwa cho rằng, tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung. Trong một vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề quan liêu thì người dân và doanh nghiệp bị đòi hỏi hoặc mời chào bằng những khoản chi không chính thức để giải quyết vấn đề. “Khi các vấn đề tham nhũng bắt nguồn từ phía cung, sự cần thiết phải thay đổi thái độ của xã hội thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn. Doanh nghiệp và người dân cần biết rằng họ có những lựa chọn khác ngoài việc hối lộ; và nếu không có lựa chọn khác, các nhà lãnh đạo của Việt Nam cần tạo ra các lựa chọn thay thế đó. Cuộc khảo sát này cho thấy sự cần thiết phải tăng thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng cũng chứng minh đây là một trận chiến nhất định mang lại thắng lợi và hoàn toàn có thể giảm bớt tham nhũng. Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải là không giải quyết được”, bà Victoria Kwakwa chỉ rõ.