Thực hiện Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc CATP Hà Nội:

Chỉ rõ vi phạm, nhân rộng những hành động đẹp vì Thủ đô văn minh

ANTD.VN - Với mục tiêu cao nhất và xuyên suốt: lập lại trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị (TTATGT - TTĐT) toàn thành phố, Mệnh lệnh số 02 được Ban Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu các lực lượng thực thi nhiệm vụ phải chú trọng những sáng kiến, giải pháp, đồng thời chỉ rõ vi phạm bao gồm nguyên nhân và trách nhiệm giải quyết để đạt được kết quả mang tính bền vững.

Triển khai Mệnh lệnh số 02, CATP Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng 069.2196277 để tiếp nhận thông tin liên quan

Gần 1 tuần Mệnh lệnh số 02 được triển khai, rõ nét nhất chính là ý thức trách nhiệm, sự vào cuộc nghiêm túc của nhiều địa bàn, nhiều tổ công tác và mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an Thủ đô.

Yêu cầu cao trong công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị 

“Đảm bảo TTATGT - TTĐT là vấn đề, công tác hết sức phức tạp, nhạy cảm, không dễ thực hiện. Nhưng bằng Mệnh lệnh số 02, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội mong muốn từ người chỉ huy đến CBCS của mỗi đơn vị phải có nhận thức đúng, quyết tâm và trách nhiệm hơn nữa lập lại trật tự toàn thành phố”, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh điều này với chỉ huy Công an các quận, huyện, thị xã và phòng chức năng tại buổi làm việc trước khi Mệnh lệnh số 02 chính thức có hiệu lực, ngày 20-3. 

Tình trạng xe taxi cố tình dừng, đỗ chờ khách là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt

Nhớ lại quãng thời gian đầu năm 2017, sau khi Ban chỉ đạo 197 thành phố có Kế hoạch số 01 về công tác tăng cường đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, trật tự công cộng; ngay sau đó, CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 59 để triển khai thực hiện. Chuyển biến bước đầu là có, trật tự định hình ở nhiều địa bàn, ý thức chấp hành quy định pháp luật về TTATGT - TTĐT của người dân được nâng lên. Song càng thời điểm cuối năm, đã xuất hiện dấu hiệu chùng xuống. Đâu đó, vi phạm TTATGT - TTĐT tái xuất hiện. Lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo thành phố từng chỉ đạo trực tiếp với Ban Giám đốc CATP Hà Nội, xác định rõ mong muốn, yêu cầu cao hơn nữa trong công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị. 

Hơn ai hết, trên “mặt trận” giữ gìn trật tự đô thị luôn nóng bỏng này, CATP Hà Nội nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Hết sức thẳng thắn, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ rõ những tồn tại bộc lộ: Sự thiếu quyết liệt; chưa tròn trách nhiệm ở nhiều địa bàn, ở nhiều CBCS. Cùng với đó là sự chưa trọn vẹn trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở, để huy động được một cách bền bỉ, đồng bộ, các ngành, đoàn thể vào cuộc cùng lực lượng Công an. 

Triển khai thực hiện Mệnh lệnh số 02, đối với lĩnh vực TTATGT, ngoài các tổ tuần tra kiểm soát lưu động thì lực lượng CSGT còn tập trung phân làn tại các tuyến, nút giao thông, địa bàn trọng điểm.

Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc CATP Hà Nội xác định đối với toàn lực lượng Công an Thủ đô phải thấy được trọng trách của mình trong công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị. Mỗi CBCS, mỗi lực lượng sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, để lan tỏa kỷ cương, để “xây nếp” gọn gàng, để sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực. Trên “mặt trận” này, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã có chủ trương hết sức rõ ràng - đó là tiêu chí để đánh giá cán bộ. Cán bộ có năng lực, việc thực hiện Mệnh lệnh sẽ đạt kết quả cao. Và ngược lại, sẽ tính toán đến cả phương án điều chuyển con người. 

Thận trọng, kỹ càng, hướng đến hiệu quả bền vững

Khác với những phương án, kế hoạch từng triển khai, sự vào cuộc ở các địa bàn đối với Mệnh lệnh số 02 được xây dựng, quán triệt bài bản, khoa học, làm từng bước và chắc từng bước. Công an các cấp báo cáo cấp ủy, chính quyền cơ sở về nội dung Mệnh lệnh, từ đó tham mưu lãnh đạo quận, huyện ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp với tính chất địa bàn.

Tiếp nữa là công tác tuyên truyền đến người dân, các hộ kinh doanh, thông qua các buổi họp ở khu dân cư và qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Một sự thẳng thắn nữa ở Mệnh lệnh số 02, đó là CATP Hà Nội sẵn sàng “đặt hàng” người dân, các cơ quan báo chí phản ánh mang tính xây dựng những địa chỉ, những hành vi đi ngược với mục tiêu trật tự văn minh đô thị. Cùng với đó là việc đẩy mạnh, nhân rộng những ý thức, hành động vì Thủ đô văn minh - sáng - xanh  - sạch - đẹp.

Lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông với tinh thần không có trường hợp ngoại lệ. 

Không làm một cách ồ ạt, không cứng nhắc trong xử lý, khởi điểm yêu cầu của Mệnh lệnh số 02 là làm tốt, làm chắc công tác điều tra cơ bản ở mỗi địa bàn, mỗi tuyến phố. Vi phạm không những phải bị “chỉ mặt, gạch tên”, mà còn trả lời được câu hỏi vì sao nó tồn tại? Trách nhiệm giải quyết của ai và bao giờ giải quyết triệt để vi phạm ấy? Từng phần việc phải làm trên 2 “mảng” TTATGT và TTĐT đã được định hình rõ trong Mệnh lệnh số 02, với yêu cầu cao nhất: Khó đến mấy cũng phải làm và làm bằng được. 

Những giải pháp, biện pháp mang tính sáng kiến là điều mà Ban Giám đốc CATP Hà Nội mong muốn ở các đơn vị, địa bàn trong quá trình thực hiện Mệnh lệnh số 02, bởi rõ ràng, vi phạm TTATGT - TTĐT không địa bàn nào giống địa bàn nào. Tuần đầu tiên với Mệnh lệnh số 02, dư luận đã chứng kiến những cách làm mới.

Với lĩnh vực TTĐT, lực lượng cảnh sát phụ trách các địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường kinh doanh…

Đó là quận Đống Đa với việc “chọn” ngay vấn đề “nóng” nhất: trông giữ xe không phép, sai phép để xử lý. Phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), với mô hình thành lập 23 tổ tự quản đô thị - nòng cốt là cán bộ cơ sở - ở 23 khu dân cư. Phường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng), với thông báo đến từng hộ kinh doanh mặt phố, chỉ rõ vi phạm đặc thù hàng ngày và yêu cầu chấp hành quy định về trật tự đô thị. Quận Ba Đình, với tinh thần Mệnh lệnh số 02 được chuyển tải đến các hộ dân thông qua tiếp xúc với lực lượng Cảnh sát khu vực…

Vì Thủ đô văn minh, trật tự, sáng - xanh - sạch - đẹp, trong quá trình thực hiện Mệnh lệnh số 02, các lực lượng làm nhiệm vụ của Công an Hà Nội cần hơn nữa sự ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ của mọi tầng lớp nhân dân. Không quá lớn lao hay to tát gì dù chỉ bằng một động tác dựng xe gọn gàng; một ý thức kinh doanh; hay đơn giản nhất, nhắc nhau khi thấy bên cạnh mình, ai đó đang làm xấu diện mạo của Thủ đô nghìn năm văn hiến; thì đó chính là sự góp phần thiết thực để Hà Nội ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn! 

Ông Võ Nguyên Phong (Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo 197 quận Đống Đa): Mệnh lệnh số 02 thể hiện tinh thần nghiêm khắc, quyết liệt, đổi mới

Chỉ rõ vi phạm, nhân rộng những hành động đẹp vì Thủ đô văn minh ảnh 7

“Với đặc thù cư dân - phương tiện đông, hạ tầng chật chội, lại là địa bàn “lõi” của thành phố, chúng tôi luôn nhận thức rõ công tác duy trì TTATGT - TTĐT gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Trong bối cảnh ấy, Giám đốc CATP Hà Nội ban hành Mệnh lệnh số 02 là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.

Tôi cho rằng, Mệnh lệnh số 02 đã nêu ra đầy đủ các nhiệm vụ với tinh thần nghiêm khắc, quyết liệt, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt ngoài một số nội dung nổi bật liên quan đến việc tăng cường quản lý, chỉ đạo CBCS lực lượng Công an trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Mệnh lệnh còn nhấn mạnh việc tăng cường quản lý đảm bảo TTATGT - TTĐT trong các khung giờ cao điểm hàng ngày. 

Ngay sau khi Giám đốc CATP Hà Nội ban hành Mệnh lệnh số 02, UBND quận đã tập trung chỉ đạo CAQ xây dựng Kế hoạch về thực hiện Mệnh lệnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ địa bàn, rõ trách nhiệm”.

Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 197 quận và Ban chỉ đạo 197 của 21 phường cũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện, gắn với đặc điểm cụ thể của đơn vị, địa bàn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở tham gia thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả công tác quản lý TTATGT - TTĐT. 

Trên địa bàn quận, chúng tôi đã xây dựng cơ chế giám sát đối với các ngành, đoàn thể để tham gia thực hiện Mệnh lệnh số 02. Theo đó, sẽ gắn trách nhiệm, hiệu quả thực hiện Mệnh lệnh với các đồng chí thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an 21 phường. Yêu cầu quan trọng là lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, phê bình, kỷ luật theo quy định”.

Ông Phạm Tuấn Long (Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm): Trực tiếp kiểm tra, xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở

Chỉ rõ vi phạm, nhân rộng những hành động đẹp vì Thủ đô văn minh ảnh 8

“Việc Giám đốc CATP Hà Nội ban hành Mệnh lệnh số 02 thời điểm này hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Tôi cho rằng, Mệnh lệnh số 02 đã khẳng định quyết tâm của CATP đối với chính quyền trong việc duy trì và chấn chỉnh, thiết lập TTATGT - TTĐT của Thủ đô, nhất là những địa bàn trung tâm. Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện Mệnh lệnh số 02, trong đó xác định đây là nhiệm vụ của chính quyền, cùng với các lực lượng khác, cũng như vai trò của Công an phường, quận là hết sức quan trọng.

Mệnh lệnh số 02 giúp thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nâng cao vai trò giám sát của người dân, cán bộ cơ sở và đặc biệt giúp người dân có nhận thức tốt hơn nữa trong công tác giữ gìn TTATGT - TTĐT. Thời gian tới, lãnh đạo của Ban chỉ đạo 197 và lãnh đạo quận sẽ trực tiếp đi kiểm tra, để phản ánh thông tin qua điện thoại di động cùng các ứng dụng công nghệ khác, từ đó yêu cầu người đứng đầu cơ sở báo cáo kết quả giải quyết bằng hình ảnh”.

Ông Lê Quang Vinh (Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Hoàng Mai): Mệnh lệnh 02 tiếp thêm sức vào việc giữ gìn, đảm bảo TTATGT - TTĐT

Chỉ rõ vi phạm, nhân rộng những hành động đẹp vì Thủ đô văn minh ảnh 9

“Lực lượng Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) rất hoan nghênh và đồng tình với Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc CATP Hà Nội về việc lập lại TTATGT - TTĐT. Không những vậy, chúng tôi sẽ tham gia hưởng ứng tích cực, xem mình như một phần của lực lượng CATP để cùng lập lại trật tự vỉa hè, giữ gìn văn minh đô thị. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những vi phạm là nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, các hành vi cản trở giao thông, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Đối với Thanh tra GTVT, ngoài các Đội thanh tra giao thông trên địa bàn các quận, huyện thì còn các đội thanh tra cơ động, đội thanh tra vận tải, cầu đường… cùng tham gia giữ gìn TTATGT trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Thanh tra GTVT cũng sẽ phối hợp tích cực với các lực lượng công an như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự... thanh tra, kiểm tra tình trạng vi phạm lòng đường, vỉa hè, bến cóc, chợ tạm, đặc biệt là tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, các dự án chưa triển khai để trông giữ xe trái phép.

Trước đây, những công việc này vẫn được lực lượng Công an và Thanh tra GTVT làm thường xuyên. Song, Mệnh lệnh số 02 như tiếp thêm sức mạnh vào việc giữ gìn, đảm bảo TTATGT - TTĐT, nâng cao trách nhiệm hơn nữa đối với các lực lượng. Tôi tin, Mệnh lệnh số 02 sẽ mang lại kết quả khả quan, tạo được chuyển biến rõ nét trong việc giữ gìn TTATGT - TTĐT”. 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Lực lượng công an đã tích cực lập lại TTĐT

Chỉ rõ vi phạm, nhân rộng những hành động đẹp vì Thủ đô văn minh ảnh 10

“Giao thông Việt Nam còn lộn xộn, song tôi ghi nhận trong 2 năm trở lại đây, giao thông Hà Nội đã có những bước đi chắc chắn. Trật tự giao thông đô thị tại Hà Nội ngày càng có sự thay đổi rõ rệt, chuyển biến theo hướng tích cực là nhờ chủ trương của các cấp chính quyền TP Hà Nội tìm cách lập lại giao thông trật tự. Tôi sống ở quận Hai Bà Trưng, từ khi có kẻ vỉa hè sắp xếp chỗ đỗ xe, nhận thức người dân đã có nhiều thay đổi, họ hiểu rằng đỗ xe ở vị trí nào là hợp lý, vị trí nào là vi phạm. Lực lượng công an đã tích cực, ngày đêm túc trực trong việc lập lại trật tự vỉa hè, các chiến dịch dẹp vỉa hè bị lấn chiếm thành chỗ đỗ xe, nơi buôn bán.

Tôi cho rằng vỉa hè là một tài sản công cộng vô giá, vì vậy các điểm đỗ xe cũng cần thu một mức giá tương xứng. Khi nâng giá trông giữ xe, người dân sẽ có ý thức tham gia các phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Quản trị đô thị cần một thiết chế sử dụng công cụ tài chính chứ không phải hành chính. Thêm vào đó, tôi cũng đề xuất lắp camera trên vỉa hè, chụp lại những hiện tượng vi phạm để xử phạt nghiêm minh. Việt Nam cũng nên tính đến phổ biến ứng dụng iParking, thu vé đỗ xe qua ứng dụng di động để tiện lợi, hội nhập”.

Ca sĩ Thanh Cường: Giữ gìn bộ mặt đô thị cũng là nâng cao chất lượng cuộc sống

Chỉ rõ vi phạm, nhân rộng những hành động đẹp vì Thủ đô văn minh ảnh 11

“Là một người dân sinh sống trên địa bàn thành phố, tôi rất mong muốn Hà Nội của chúng ta sẽ ngày càng văn minh - xanh - sạch - đẹp hơn. Vì thế tôi tin tưởng sự vào cuộc của lực lượng Công an Hà Nội trong thời gian tới để thực hiện Mệnh lệnh số 02 thực sự có ý nghĩa trong việc giữ gìn bộ mặt đô thị cũng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tạo cảm giác an toàn, thân thiện hơn với du khách trong và ngoài nước.

Tôi nghĩ “chẻ nhỏ” ra thì Mệnh lệnh số 02 chính là sự chấn chỉnh từ những việc rất nhỏ như: bán hàng rong, dừng đỗ sai quy định, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vứt rác bừa bãi… Tuy nhiên có làm được việc nhỏ thì mới lo được việc lớn. Để làm được tốt từng việc nhỏ thì vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ với người dân để tránh tình trạng “đối phó” với lực lượng chức năng, xong rồi đâu lại vào đấy. Về phía lực lượng Công an cũng cần phải có các giải pháp vào cuộc mạnh mẽ để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Việc CATP Hà Nội thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân cũng là một cách làm rất thiết thực. Ngoài việc thông tin về các vi phạm, người dân cũng có thể phản ánh và góp ý về hiệu quả triển khai Mệnh lệnh số 02 từ lực lượng công an trên các địa bàn”.

Bích Hậu - Ngọc Trâm