Chen lấn như tranh cướp

ANTĐ - Trước thềm tuyển sinh đầu cấp năm học 2012, người dân Hà Nội lại chứng kiến tình cảnh “xếp hàng trắng đêm xin học cho con” ở trường PTCS Thực nghiệm (Ba Đình, Hà Nội). Lần này, TP Hà Nội dường như “vô can” bởi ngôi trường này trực thuộc Bộ GD-ĐT.

Từ vài năm nay, ngôi trường này thu hút sự chú ý đặc biệt của các bậc phụ huynh học sinh vì “giảng dạy theo phương pháp hiện đại, tôn trọng tính sáng tạo, tự chủ của học sinh” và đặc biệt là “có nhiều nhân tài đã được trường đào tạo, trong đó, có GS. Ngô Bảo Châu”. Đỉnh điểm của sự “hâm mộ” ngôi trường đã diễn ra vào sáng 12-5, khi hàng trăm phụ huynh, sau một đêm dài xếp hàng, vẫn còn đủ sức chen lấn và xô đổ cổng sắt của trường, trước khi tràn vào sân tranh nhau mua hồ sơ. Lo sợ  thực trạng này, nhà trường buộc phải dời việc bán hồ sơ sang hôm sau (13-5). Lần này, dưới sự giám sát của những chiến sỹ công an, cổng trường tuy không bị đổ nhưng chen lấn vẫn không giảm. 

Hiếu học là truyền thống tốt có từ nghìn đời của người Việt Nam. Thế nhưng, hiếu học tới mức phải thức cả đêm xếp hàng, chen lấn, xô đổ cả cổng trường để mua hồ sơ đăng ký học, bất chấp thông báo không cho phép xếp hàng dán ngay cổng trường, thì không thể chấp nhận được.

Nhìn cảnh đua tranh quyết liệt để vào trường Thực nghiệm, một số bậc phụ huynh cho rằng, sau rất nhiều năm “thực nghiệm”, nếu thực sự tốt, sao Bộ GD-ĐT không mở rộng mô hình này để tránh cảnh đổ cổng trường hôm nay? Số khác lại băn khoăn, kiến thức là cả một quá trình nhận thức kéo dài suốt cuộc đời học sinh. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chứ không riêng gì ngôi trường hay đội ngũ giáo viên, vậy, vì sao cha mẹ phải cầu kỳ đến thế để chọn trường cho con khi mới vào lớp 1. Lại có ý kiến cho rằng nên xóa bỏ loại hình thực nghiệm, thậm chí bỏ luôn trường chuyên, trường điểm, hãy tập trung cải cách giáo dục, lựa chọn ra mô hình tốt nhất và áp dụng trên toàn quốc để không còn cảnh chen lấn hay “đi đêm” chạy đua vào một ngôi trường nào đó.