Châu Á ồ ạt mua sắm trực thăng đối phó Trung Quốc

ANTĐ - Trước thái độ ngày càng hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở các vùng biển, nhiều nước châu Á đang tiếp tục chi những khoản tiền khổng lồ mua sắm trang thiết bị quân sự nhằm nâng cao khả năng tác chiến cho quân đội của họ.

Trang mạng “Defense News” của Mỹ gần đây đăng tải bài viết cho rằng, nhằm đối phó với mối “đe dọa trên biển” đang ngày càng gia tăng đến từ Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời để tăng cường thực hiện nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo, cứu hộ thiên tai và một số vấn đề an ninh khác, nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đang lên kế hoạch mua các loại máy bay trực thăng chiến đấu, bao gồm cả V-22 Osprey - “Chim ưng biển”.

Bài viết cho hay, tại khu vực châu Á, xu hướng mua sắm máy bay trực thăng đa năng là rất phổ biến, tuy nhiên nhu cầu sở hữu máy bay trực thăng tấn công tại một số quốc gia cũng rất lớn.

Nhật Bản và Singapore đã bày tỏ thái độ rất ưa thích loại máy bay vận tải cánh quạt nghiêng, nửa giống trực thăng, nửa như máy bay cánh cố định V-22 Osprey do liên danh giữa Công ty trực thăng Bell (Bell Helicopter Textron) và Hãng Boeing hợp tác phát triển.

Châu Á ồ ạt mua sắm trực thăng đối phó Trung Quốc ảnh 1

Trực thăng AW-159 Wildcat 


Đối với Tokyo, vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đã làm cho nước này cảm thấy bất an, bởi lo ngại khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực đánh chiếm hòn đảo này. Chính điều đó đã khiến lực lượng tự vệ Nhật Bản phải chú ý vấn đề cải thiện khả năng hành trình và tính năng các loại máy bay trực thăng hiện có, nếu không sẽ phải “trao tặng” Senkaku, thậm chí là cả chuỗi đảo Ryukyu cho Trung Quốc.

Báo cáo của chính phủ Nhật Bản và ngành công nghiệp quốc phòng nước này nêu rõ, Tokyo dự tính sẽ mua 17 chiếc V-22 trong vòng năm năm tới.

Bài viết còn cho biết, tại triển lãm hàng không tại Singapore hồi tháng 2, hải quân Mỹ đã mang đến giới thiệu mẫu máy bay MV-22B của mình. Một số quan chức chính phủ và của Công ty Bell đã tiết lộ một thông tin rất rõ ràng rằng, quân đội Singapore sẽ ký hợp đồng mua Osprey, vấn đề chỉ là làm thế nào để phát huy sức mạnh của nó mà thôi.

Châu Á ồ ạt mua sắm trực thăng đối phó Trung Quốc ảnh 2

Máy bay vận tải cánh quạt nghiêng V-22 Osprey


Nhật Bản cũng đang có kế hoạch nghiên cứu thay thế loại máy bay trực thăng UH-1H/J đã già cũ bằng thế hệ trực thăng đa năng UH-X cho lực lượng phòng vệ mặt đất nước này.

Nguồn tin từ công ty hàng không Sikorsky cho hay, Tokyo còn đang xem xét khả năng mua thêm một số loại máy bay trực thăng Sikorsky S-76D trang bị cho lực lượng phòng vệ bờ biển. Với số lượng đơn hàng là 11 chiếc, tuy nhiên so với nhu cầu biên chế 18 chiếc, dự kiến lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật bản sẽ sớm mua thêm cả phiên bản S-76.

Đối với Hàn Quốc, lực lượng Hải quân nước này cũng đã đặt mua 8 chiếc trực thăng AW-159 Wildcat (Mèo Hoang) của hãng Agusta-Westland, dùng cho các hoạt động trên biển. AW-159 đã đánh bại phiên bản hải quân MH-60 của Sikorsky trong gói thầu này.

Châu Á ồ ạt mua sắm trực thăng đối phó Trung Quốc ảnh 3

Trực thăng Sikorsky S-76D


“Mèo Hoang” sẽ trở thành loại trực thăng đa dụng trên biển của Hàn Quốc, chuyên thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước, cứu hộ và giám sát trên biển. Dự kiến, 4 chiếc AW159  “Wildcat” đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm 2015 và 2016. 

Năm 2013, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ mua 36 chiếc trực thăng tấn công AH-64E "Apache" do Mỹ sản xuất. Số máy bay này dự kiến sẽ lần lượt được bàn giao trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018.

Một số thông tin từ ngành công nghiệp quốc phòng nước này cho hay, nhằm thay thế cho loại máy bay tấn công "Cobra" và máy bay trinh sát/tấn công OH-58 đã già cũ, nước này đang tổ chức công tác đấu thầu.

Với Đài Loan, vùng lãnh thổ này sẽ tiếp nhận 60 máy bay trực thăng đa dụng Sikorsky UH-60M vào cuối năm 2014 này. Số máy bay này sẽ thay thế cho loại trực thăng đa dụng Bell UH-1H.

Châu Á ồ ạt mua sắm trực thăng đối phó Trung Quốc ảnh 4

Trực thăng tấn công AH-64E "Apache"


Trong khi đó 30 chiếc trực thăng tấn công AH-64E "Apache" do Boeing sản xuất cũng đã bắt đầu được bàn giao. Loại trực thăng "Apache" thế hệ mới này sẽ phối hợp tác chiến cùng 60 trực thăng Bell AH-1W "Super Cobra" của lực lượng lục quân. Các máy bay "Apache" được hãng Boeing bắt đầu chuyển giao cho Đài Loan bắt đầu từ tháng 11-2013.

Bài viết cho hay, trong khoảng thời gian 10 năm vừa qua, Đài Loan đã trang bị cho lực lượng Lục quân nước này 9 chiếc trực thăng vận tải CH-47SD "Chinook", lực lượng không quân cũng được nhận 3 chiếc EC-225 "Super Puma" do công ty Eurocopter sản xuất, chuyên thực hiện nhiệm vụ cứu hộ.

Căn cứ theo hợp đồng, nếu ngân sách phân bổ kịp thời, không quân nước này đã có thể mua tới 17 chiếc "Super Puma", tuy nhiên cùng với việc thu hẹp quy mô và hiện đại hóa quân sự, cơ cấu quân sự Đài Loan đang đối mặt với vô vàn khó khăn.