Chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Nông sản bí đầu ra, đành phải chờ doanh nghiệp

ANTĐ - Là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ  9, sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát thừa nhận, khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay chính là tiêu thụ, tìm đầu ra cho nông sản. Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định để giải bài toán này, song việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp không dễ dàng.

Khó đòi hỏi một thị trường luôn ổn định

Không bất ngờ khi câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, nông sản ùn ứ phải tiêu thụ bằng “giải pháp tình thương” được nhiều ĐBQH tập trung chất vấn người đứng đầu ngành nông nghiệp. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi: Với trách nhiệm của Bộ trưởng, đâu là giải pháp tìm đầu ra cho nông sản, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới? ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: “Bộ trưởng sẽ nói gì với bà con nông dân về nông sản ùn ứ và làm gì để bà con yên tâm?”...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tìm đầu ra cho nông sản phải theo cơ chế thị trường. “Bản chất của thị trường luôn thay đổi nên để đạt được sự ổn định tương đối thì nông nghiệp phải bám sát, có sự nhanh nhạy với diễn biến của thị trường thế giới, không thể kỳ vọng một thị trường luôn ổn định, có giá cao mà phải tìm cách để thích ứng với thị trường” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Vậy làm cách nào để thích ứng được? Bộ trưởng lý giải tiếp: “Cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn”.

Chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Nông sản bí đầu ra, đành phải chờ doanh nghiệp ảnh 1

“Theo Bộ trưởng, trong các khâu sản xuất nông nghiệp, đâu là khâu yếu nhất hiện nay?”
 ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)

Phân tích kỹ hơn về tình hình tiêu thụ nông sản thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đưa ra một số liệu khá thú vị. “Các ĐBQH hỏi nông sản khó tiêu thụ, nuôi gì trồng gì cũng khó bán. Thực tế tình hình không đến nỗi thiếu sáng sủa như vậy. Không phải mặt hàng nông sản nào cũng như hành tím, dưa hấu. Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu nhiều từ đầu năm đến nay, có 5 mặt hàng xuống giá, sản lượng xuất khẩu giảm gồm gạo, cao su, cà phê, tôm, cá tra. Song cũng có 5 mặt hàng xuất khẩu tăng, giá tăng là hạt tiêu, điều, đồ gỗ, sắn, rau cỏ, nên cần phải bình tĩnh để đánh giá và giải quyết” – Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ. Trước lo ngại của một số ĐB về việc người nông dân bỏ ruộng đất vì không sống được bằng cây lúa, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, đất lúa là di sản của dân tộc, đây là nguồn sống nên phải bảo vệ. 

Doanh nghiệp là “phao cứu sinh”

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn: “Nông nghiệp thiếu quy hoạch, sản xuất thiếu định hướng, thiếu liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp) dẫn đến rối loạn. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu: “Nhiều chuyên gia cho rằng liên kết “4 nhà” đến nay đã thất bại, nguyên nhân vì sao và trong “4 nhà” thì nhà nào đóng vai trò trụ cột để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản?”. Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, vấn đề quan trọng nhất là hỗ trợ để thu hút càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản càng tốt, bởi không ai có thể làm tốt việc tiêu thụ nông sản hơn doanh nghiệp.

Chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Nông sản bí đầu ra, đành phải chờ doanh nghiệp ảnh 2

“Nỗi lo lớn nhất là khâu tiêu thụ nông sản và cái khó nhất là khâu chế biến”
Bộ trưởng Cao Đức Phát

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra: “Qua trao đổi với các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất của họ là không có đất. Tới đây sẽ thực hiện sắp xếp lại các nông lâm trường, đồng thời triển khai mô hình cho doanh nghiệp thuê lại ruộng đất của nông dân để phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn”. Tuy vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, ngay Nhật Bản, Trung Quốc có trình độ phát triển cao hơn ta nhiều, song ở họ đa số vẫn là hộ nông dân sản xuất nhỏ, nước ta vài chục năm tới cũng vẫn là hộ nông dân sản xuất nhỏ. Cũng theo Bộ trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ cách tiếp cận chứ không phải chỉ là thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hầu hết các địa phương đều đã xác định đây là vấn đề quan trọng và đang đẩy mạnh triển khai, từ nay đến cuối năm sẽ có các đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương mình. 

Chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Nông sản bí đầu ra, đành phải chờ doanh nghiệp ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Đã hứa thì phải làm cho được


Nhận xét về phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về những yếu kém trong ngành và đưa ra được những giải pháp. Quốc hội đề nghị Bộ NN&PTNT không chỉ quyết tâm mà phải có biện pháp quyết liệt để thực hiện tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ trưởng đã nói thì phải tổ chức làm, đã hứa thì phải thực hiện cho bằng được.

Trả lời các câu hỏi của ĐBQH về tình hình hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung hiện nay có liên quan đến nạn phá rừng, làm thủy điện hay không? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân gây thời tiết thất thường ở miền Trung không phải do thủy điện mà do ảnh hưởng của El Nino. Giải pháp cấp bách trước mắt là phải cung cấp, đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, cho gia súc. Về lâu dài, phải thực hiện các giải pháp tổng thể về ứng phó với biến đổi khí hậu.