Chánh án TAND TP Hà Nội thông tin tiến độ xét xử các vụ án điểm dư luận quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 7-12, tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội, Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã thông tin tiến độ xét xử các vụ án điểm dư luận quan tâm như: vụ án ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC; vụ án ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ án Tân Hoàng Minh; Vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết…
Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thông tin tiến độ xét xử các vụ án điểm dư luận quan tâm

Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thông tin tiến độ xét xử các vụ án điểm dư luận quan tâm

Sáng 7-12, Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thông tin tới cử tri: “Dự kiến từ ngày 21-12-2022, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC) với 36 bị cáo (8 bị cáo đang bỏ trốn)…

Trong năm 2023, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ Xét xử một số vụ án được dư luận quan tâm như vụ án ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ án Tân Hoàng Minh; Vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết…”.

Chánh án TAND thành phố Hà Nội cho biết, trong năm công tác 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý thụ lý 8.958 vụ án hình sự (tăng 455 vụ so với cùng kỳ năm 2021), giải quyết 8.833 vụ.

Trong đó có các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi như: vụ án ở Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; vụ án tại Công ty dược phẩm Cửu Long, vụ án ở Bình Dương…được đưa ra xét xử kịp thời, được dư luận, nhân dân, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá cao.

Bên cạnh đó, để góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh đối với các loại tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Trong năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 53 vụ/ 148 bị cáo, giải quyết 47 vụ/ 131 bị cáo bị truy tố các tội về tham nhũng, chức vụ. So với cùng kỳ năm 2021, số giải quyết tăng 8 vụ/ 29 bị cáo.

Đáng chú ý, trong những năm qua, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số lượng vụ việc và tính chất nguy hiểm cho xã hội.

Năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 29 vụ/ 104 bị cáo, giải quyết 24 vụ/ 72 bị cáo bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự. So với cùng kỳ năm 2021, số giải quyết tăng 7 vụ/ 29 bị cáo.

Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội cũng thụ lý 3.471 vụ án ma túy, giải quyết 3.449 vụ/ 4.731 bị cáo bị truy tố các tội về ma túy. So với cùng kỳ năm 2021, số thụ lý tăng 38 vụ/ 496 bị cáo, số giải quyết tăng 234 vụ/ 801 bị cáo. Các vụ án về ma túy đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô.

Trong thời gian gần đây, các loại tội phạm về môi trường tiếp tục có diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững về môi trường. Năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 62 vụ/ 82 bị cáo, giải quyết 62 vụ/ 82 bị cáo bị truy tố các tội về môi trường. So với cùng kỳ năm 2021, số thụ lý tăng 04 vụ/ 07 bị cáo, số giải quyết tăng 11 vụ/ 19 bị cáo.

Năm 2023, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, Tòa án nhân dân 2 cấp TP Hà Nội sẽ tiếp tục bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong quá trình chuẩn bị xét xử; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước. Chú trọng công tác thu hồi tài sản, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc, theo đó: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc…

Kiểm sát xét xử nhiều án lớn được dư luận xã hội quan tâm

Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường cho biết, năm 2022, viện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương, thành phố thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử nhiều vụ, việc phức tạp, các vụ án lớn được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Thành ủy Hà Nội trực tiếp chỉ đạo. Các vụ án đều được tập trung giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Cụ thể, trong năm 2022, Viện KSND TP Hà Nội đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với 17 vụ do Viện KSND tối cao phân công. Điển hình như: Vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án Nguyễn Quốc Anh - Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng các đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến việc ký hợp đồng liên danh liên kết với công ty BMS, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng; vụ án Trần Ngọc Hà - Cựu Chủ tịch Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và đồng phạm vi phạm quy định về quản lý Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.