Chặn mọi kẽ hở, không để thực phẩm bẩn, thực phẩm giả tuồn vào thành phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù chưa ra quân rầm rộ như mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song sau gần 1 tháng triển khai đợt cao điểm kiểm tra hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lực lượng chức năng tại Hà Nội và các địa phương đã phát hiện nhiều vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm giả tràn về thành phố…

Muôn kiểu vi phạm

Đến hẹn lại lên, thời điểm trước Tết Nguyên đán lượng tiêu thụ thực phẩm bao giờ cũng tăng đột biến và đi kèm với nó là những mối lo thực phẩm bẩn, thực phẩm giả. Cũng giống như mọi năm, từ giữa tháng 12-2021, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã ban hành Kế hoạch Triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. Trọng tâm của kế hoạch này là tổ chức các đoàn liên ngành ra quân kiểm tra ATTP Tết, bắt đầu từ 20-12-2021 đến hết 12-3-2022. Tại Hà Nội, thành phố cũng đã sớm lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành và bắt đầu ra quân từ cuối tháng 12 vừa qua.

Đến thời điểm này, dù tần suất kiểm tra chưa nhiều, chưa rầm rộ như mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngay ở 2 tuần đầu tiên ra quân, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ thực phẩm không đạt chất lượng được đưa vào thành phố hoặc chuẩn bị tung ra thị trường. Đơn cử, ngày 27-12-2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội) phát hiện, thu giữ gần 10.000 sản phẩm nước giải khát vi phạm VSATTP tại Công ty TNHH thương mai và sản xuất thực phẩm Ích Khang (phường Thạch Bàn, quận Long Biên). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định đối với sản phẩm “Nước giải khát dấm táo One World - Ích Khang”. Qua khai thác cho thấy, sản phẩm này vi phạm các quy định về ATTP.

Lực lượng QLTT thu giữ hơn 28.000 sản phẩm sa tế có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ

Lực lượng QLTT thu giữ hơn 28.000 sản phẩm sa tế có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ

Trước đó từ tháng 11-2021, Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã được Tổng cục QLTT ban hành đến toàn ngành. Thực hiện kế hoạch này, mới đây, Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) phối hợp với Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Bắc Ninh đã kiểm tra đột xuất xưởng sản xuất và kho chứa hàng hóa là sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) và TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Qua kiểm tra, lực lượng đã thu giữ tổng hơn 28.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Ở phía Nam, ngày 22-12-2021 vừa qua, lực lượng QLTT tại Bình Thuận đã phát hiện và ngăn chặn thành công phương tiện vận chuyển trên 2.600 chai rượu ngoại chủ yếu các nhãn hiệu như: Black Label, Blue Label, Chivas 18, Macallan 12… Toàn bộ số hàng hóa đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không dán tem rượu nhập khẩu trên sản phẩm và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Nếu không ngăn chặn kịp thời, lô rượu lậu này sẽ được tràn về các thành phố lớn để tiêu thụ.

Tăng trách nhiệm của cả “ba bên”

Trở lại địa bàn Hà Nội, từ ngày 10-1, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 3 của thành phố đã đi kiểm tra việc đảm bảo ATTP Tết Nhâm Dần tại quận Thanh Xuân và Bắc Từ Liêm. Kể từ khi ra quân kiểm tra ATTP Tết vào cuối tháng 12-2021 đến ngày 10-1-2022, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP quận Thanh Xuân đã kiểm tra 102 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp kinh doanh thịt gia súc, gia cầm vi phạm. Còn tại quận Bắc Từ Liêm, sau 2 tuần ra quân, lực lượng chức năng kiểm tra 262 cơ sở, xử phạt 5 cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP với số tiền 7,5 triệu đồng. Về cơ bản, các đoàn kiểm tra của quận chỉ phát hiện và xử lý những lỗi vi phạm nhỏ, thường gặp. Vậy vướng mắc ở đâu?

Tại buổi kiểm tra của đoàn liên ngành thành phố, lãnh đạo 2 quận Thanh Xuân và Bắc Từ Liêm phản ánh, hiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị y tế ở cơ sở đang tập trung nhân lực cho công tác phòng chống dịch nên thiếu nhân lực kiểm tra ATTP. Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP diễn biến phức tạp.

Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu thường hoạt động vào ban đêm, thường xuyên thay đổi tuyến đường vận chuyển, thời gian, địa điểm tập kết hàng hóa nên việc phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Về việc này, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, ở dịp Tết Nguyên đán năm nay, 6 đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương sẽ tập trung kiểm tra công tác bảo đảm VSATTP tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Ở cấp tỉnh thành, các tỉnh cũng tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp nhưng phải có kế hoạch thanh, kiểm tra phù hợp vào tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Ông Nguyễn Thanh Phong lưu ý, các đoàn kiểm tra cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những địa bàn, những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, tránh dàn trải. Đi kèm với đó, phải chuyển sang các biện pháp quản lý rủi ro như tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người sản xuất kinh doanh lẫn người tiêu dùng thực phẩm, chủ động lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm, xử lý nghiêm và công khai các cá nhân, cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, Cục ATTP đề nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn. Cục ATTP cũng kêu gọi người tiêu dùng chỉ chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng.