Chấn chỉnh các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo tính độc lập, khách quan

ANTD.VN - Sau việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) phát ngôn “nước mắm nhiễm asen”, bên hành lang Quốc hội ngày 31-10, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, cần chấn chỉnh hệ thống pháp luật, đặc biệt là chấn chỉnh các tổ chức bảo vệ NTD để họ thực sự hoạt động độc lập, khách quan và đúng với tôn chỉ mục đích.

PV: Vụ việc Vinastas tự công bố chất lượng nước mắm đang gây xôn xao dư luận, theo ông, cần chấn chỉnh Hiệp hội này theo hướng nào?

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Để thực sự có công bằng, hợp lý và Nhà nước pháp quyền trong việc bảo vệ người tiêu dùng (NTD), cần chấn chỉnh hệ thống pháp luật, đặc biệt chấn chỉnh các tổ chức bảo vệ NTD để họ thực sự hoạt động độc lập, khách quan và đúng với tôn chỉ mục đích.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa trao đổi với báo chí sáng 31-10

- Giả sử phải tái cơ cấu Vinastas, cần xử lý thế nào để khắc phục hạn chế của hội này?

-Vấn đề sử dụng tiền ở các Hiệp hội, luật pháp đã quy định và anh phải thực hiện theo đúng luật định. Với Hiệp hội, mục đích cao nhất và cuối cùng là phục vụ thành viên, theo mục đích tôn chỉ mà anh đã đề ra. Vì vậy, nếu anh nhận tài trợ sự kiện nhưng lại dùng sự kiện để phục vụ lợi ích của đơn vị tài trợ và làm hại thành viên của anh là không hợp pháp. Vừa qua, có vài vụ việc như thế và tôi nghĩ cơ quan điều tra nên làm rõ, xử lý nghiêm minh thì sẽ tránh được tình trạng tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

-NTD thường là đối tượng chịu thiệt thòi mặc dù chúng ta đã có hệ thống luật pháp và các Hiệp hội để bảo vệ. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

-Tại Việt Nam, các quy định bảo vệ NTD chưa hoàn thiện, các hoạt động có tính chất dân sự bảo vệ NTD chưa mạnh mẽ. Ở chiều ngược lại, NTD cũng chưa có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm để tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại. Ví dụ anh mua 1 sản phẩm, anh ăn/uống sản phẩm đó và phát hiện có chất độc hại, gây tổn hại cho anh thì cần ý thức mình có quyền được bảo vệ một cách hợp pháp. Vì vậy, không nên dùng các phương pháp bất hợp pháp như tống tiền đơn vị sản xuất sản phẩm đó. Anh hoàn toàn có thể thuê luật sư tư vấn để xác định thiệt hại bao nhiêu, sau đó yêu cầu bên cung cấp dịch vụ phải đền bù thiệt hại trước khi dùng tới các công cụ pháp lý khác như Tòa án.

Thay vì bảo vệ quyền lợi NTD, Vinastas lại có phát ngôn gây hại cho NTD (ảnh minh họa)

-Pháp luật hiện nay như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự đã đủ mạnh để bảo vệ NTD chưa, thưa ông?

-Pháp luật hiện hành không thiếu quy định bảo vệ NTD nhưng điều tôi lo là hệ thống thực thi có vấn đề. Giả như tôi là NTD, tôi sử dụng phải hàng giả, không đảm bảo chất lượng, nó làm cho tôi ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe. Để tôi có thể khởi kiện vụ việc như thế, phải nói hiện nay rất phức tạp. Đa số phải chờ rất lâu và nếu đưa ra Tòa án, xử xong lại chưa chắc thi hành án được. Trong khi người bị khởi kiện (sản xuất, kinh doanh mặt hàng gây thiệt hại cho NTD), họ lại có rất nhiều cách, nhiều “công cụ” để vụ việc được giải quyết theo cách có lợi cho họ.

Nhiều quốc gia khác họ làm rất mạnh mẽ để bảo vệ NTD. Tôi ví dụ tại Mỹ, họ không chỉ truy cứu người sản xuất mà còn cả người kinh doanh mặt hàng gây ngộ độc cho NTD. Ngoài việc bồi thường trực tiếp, doanh nghiệp còn phải chịu những khoản phạt. Ví dụ anh bị bỏng vì máy pha cà phê không đảm bảo an toàn cho anh, người kinh doanh và sản xuất chiếc máy đó ngoài việc phải bồi thường tiền cho người bị bỏng thì còn có thể bị phạt 100.000 USD. Lấy chuẩn đó mà so sánh thì ở Việt Nam chưa làm được.