Chăm trẻ sơ sinh mùa đông

ANTĐ - Việc thường xuyên cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhà ở là cách tốt nhất, để bổ sung oxy và giúp trẻ bắt đầu tôi luyện

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, chăm sóc trẻ mùa đông khó hơn mùa hè. Nhiệt độ thấp và các bệnh lây nhiễm là kẻ thù lớn nhất của cơ thể yếu đuối mới chào đời. Tuy nhiên một khi đã biết nguyên tắc chăm sóc trẻ mùa đông, điều kiện giá lạnh không hề kém thân thiện!

Không “hâm nóng” thái quá

Trẻ sơ sinh mẫn cảm không chỉ với thời tiết lạnh - tình trạng cha mẹ e ngại nhất, mà cả trường hợp trẻ bị "hâm nóng" thái quá. Khi bị ủ nóng, mồ hôi thường là nguyên nhân trẻ dễ dính bệnh lây nhiễm. Để đảm bảo điều kiện lý tưởng cho con, nên duy trì nhiệt độ trong nhà ở mức 24 - 25 độ c (khoảng 28 độ c, khi tắm). Với những chỉ số như vậy, không khí sẽ không quá khô, niêm mạc hệ hô hấp của con được bôi trơn và có thể tự vệ có hiệu quả trước vi trùng gây bệnh.

Cách ly người lạ

Không bắt buộc phải gặp gỡ với những người thân, bạn hữu tò mò muốn xem mặt thành viên mới gia đình - ngay sau khi hai mẹ con xuất viện. Hãy lịch sự và chân thành đề nghị những người thân giàu tình nghĩa gác lịch thăm cháu vào dịp đầy tháng (nhất là với những nhân vật được xếp vào nhóm "dữ vía" (người mẹ không có thiện cảm). Trẻ sơ sinh có thể bị lây bệnh, trường hợp không may gặp đối tượng đang xổ mũi - là một trong những lý do cần cách ly trẻ với người lạ trong những ngày đầu.

Tự phòng ngừa

Thường xuyên mở cửa sổ không chỉ giúp cải thiện không khí trong nhà ở, mà còn là cách tự bảo vệ có hiệu quả trước các bệnh lây nhiễm. Không ít mầm bệnh lây nhiễm sẽ được đẩy ra khỏi căn hộ chính trong thời gian mở cửa thông gió. Để trẻ không nằm ở chỗ gió lùa, hay bế trẻ sang phong khác -khi mở cửa sổ. Thường xuyên rửa sạch tay cũng là biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm. Nước ấm và xà phòng có thể phòng ngừa hầu hết các mầm bệnh.

Quần áo thích hợp

Phần lớn thời gian trong ngày trẻ sơ sinh nằm trên giường, vậy nên không cần phân biệt áo tã ban ngày và ban đêm. Thay vào đó cần quan tâm nhiều hơn đến chất liệu tã lót và quần áo của trẻ. Vải bông tự nhiên giúp làn da "thở” tốt hơn. Bé ở trong nhà không nên mặc quần - áo len dày và quấn chăn dạ. Sẽ tốt hơn nếu trang bị cho bé những lớp quần áo mỏng hơn (mà vẫn ấm áp), bởi khoảng trống giữa nhiều lớp đã tạo nên lớp cách nhiệt hoàn hảo. Nhìn chung, chỉ nên cho trẻ mặc nhiều hơn mẹ một "lớp".

Khi cho trẻ ra khỏi nhà, tất nhiên phải mặc ấm (hơn người lớn) và cần có thời gian, để trẻ thích nghi dần với không khí lạnh giá ngoài trời. Nên chọn những ngày đẹp trời, nắng ráo vào thời điểm sau 9 - 10 giờ sáng. Ngày đầu cho phép trẻ hít thở không khí "tươi mát" trong 10 phút, vài ngày sau có thể kéo dài thời gian đến 30 phút. Sau một tuần có thể cho trẻ đi xa hơn!

Việc thường xuyên cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhà ở là cách tốt nhất, để bổ sung oxy cho trẻ và giúp trẻ bắt đầu tôi luyện. Không nên giữ trẻ trong nhà - khi có vài đợt gió mùa Đông Bắc nhẹ. Song tuyệt đối không cho trẻ ra ngoài đường - khi nhiệt độ tụt xuống dưới 10 độ c.