“Chấm điểm” tái cơ cấu

ANTĐ - Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm hai lần, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Diễn đàn Kinh tế mùa xuân và Diễn đàn Kinh tế mùa thu. Đây là nơi quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành thảo luận những vấn đề cốt lõi nhất của nền kinh tế vĩ mô. Diễn đàn Kinh tế mùa thu năm nay được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức có chủ đề: “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”. 

Theo Ủy ban Kinh tế, cơ sở để đặt kỳ vọng là một số thành tựu đã đạt được trong thời gian qua của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế như Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ phê duyệt trước 1 năm Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đây được xem là nỗ lực về mặt pháp lý, quan trọng nhất trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tạo hành lang rộng để xử lý các ngân hàng yếu kém. Kết quả là đến thời điểm này không có tổ chức tín dụng, ngân hàng nào bị đổ vỡ, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Tuy vậy, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dù tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đạt được một số kết quả, nhưng tiêu cực vẫn còn như vi phạm của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ từ đầu năm trong việc thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, song đại diện Ngân hàng Sumitomo Mitsui nhận xét, dù lộ trình tái cơ cấu được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị cao, nhưng lại thiếu một cơ chế rõ ràng, đủ sức khuyến khích thúc đẩy mạnh tiến trình này; đồng thời răn đe, trừng phạt những cá nhân và tập thể cản trở tiến trình. Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được “chấm điểm” khách quan, toàn diện và sẽ đưa ra những “đáp số” như: tiến trình đang được thực hiện ở mức độ nào, khả năng thành công là bao nhiêu, những điểm nghẽn nào đang cản trở và cần tháo gỡ ra sao.

“Chấm điểm” tái cơ cấu 3 mũi nhọn của nền kinh tế, phải dựa vào báo cáo giám sát độc lập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tránh tình trạng, nếu thực hiện tốt thì chỉ được đánh giá là “hoàn thành nhiệm vụ”. Nếu “không hoàn thành nhiệm vụ” thì chỉ dừng ở mức độ đánh giá chung chung hoặc lời răn đe như “cách chức lãnh đạo doanh nghiệp nếu không nhiệt tình tái cơ cấu”. Tổ chức, cá nhân có thể chịu hậu quả, nhưng hậu quả này không đủ sức răn đe vì khá mơ hồ, tính khả thi không cao.