Cây bút trẻ Chu Thùy Anh: “Hóng hớt” bao giờ cũng hay hơn trải nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tốt nghiệp ngành Vật lý tại Đại học Cergy - Pontoise (Pháp), hiện đang công tác tại Viện Vật lý thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, tuy nhiên Tiến sĩ Chu Thùy Anh lại thể hiện khả năng Văn học khá mạnh mẽ. Chị vừa ra mắt tập truyện ngắn thứ ba mang tên “Về” sau tập truyện “Vé một chiều” (2015) và “Xanh” (2016). Anh ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng tác giả trẻ này.

- PV: Tại sao chị lại đặt tên cuốn sách là “Về”? Về ở đây là về trong tâm tưởng, về với những thứ bình dị xưa cũ vô tình lãng quên hay tìm về với chính mình?

- Tác giả Chu Thùy Anh: “Về” là tên truyện không ngắn đầu tiên trong tập truyện. Đây là một truyện mới hơn các truyện khác, nên tôi tập trung hơn vào đó, lấy tên truyện này làm tên cho cả tập truyện luôn. “Về” là tự về, tự vào, trở về với bên trong, với bản chất. Là rời ngoại thân để quay lại với nội thân. Cuộc sống bao giờ cũng có phần ngoài, phần hướng ra, phần đi ra. Nhưng tới một lúc thì cần dừng để ý tới những thứ đó, chỉ để tâm tới phần đi vào, đi về mà thôi.

- Tựa cho mỗi câu chuyện mà chị đặt cũng rất ngắn gọn, súc tích. Độc giả phải đọc thật từ từ, thật chậm rãi, để hiểu được đầu đuôi. Những tình huống trong chuyện đến rất ngẫu nhiên, giản dị như vô tình lấy ra từ đời sống. Đó có phải là những tình huống mà chị từng trải qua không?

- Tên truyện của tôi thường ngắn, đến bản thân truyện còn ngắn. Mỗi truyện thường phát triển từ một hoặc vài ý, vài tứ nào đó, rồi thêm “râu ria” xung quanh cho thành một câu chuyện thôi. Nên truyện có thể có hoặc thậm chí không có cốt truyện, nếu có thì cũng rất đơn giản không thắt mở nhiều tình huống gay cấn, giật gân. Chắc vì thế nên tiết tấu không nhanh, đọc cũng cần chậm. Ý tứ gốc để phát triển thành câu chuyện thường là những điều mình “hóng hớt” được. Thứ mình đã trải qua thì thấy bình thường, không có gì thú vị, nhưng “hóng hớt” thì sẽ thấy hay. Có thể vì khi là một người đứng ngoài thì ta quan sát được rộng hơn, dễ thấy những chi tiết, những điểm thú vị hơn người trong cuộc.

- Tôi rất ấn tượng với cách dùng hình ảnh của chị. Nhiều thứ khó tưởng tượng, khó so sánh, nhưng qua cách viết của chị dường như người ta có thể cầm nắm được. Cách chị miêu tả những căn bệnh cũng thật đáng yêu, ví dụ như bệnh hắt xì, bệnh thiểu năng cáu, bệnh đặc biệt...

- Chữ nghĩa có sự thiệt thòi so với hình ảnh vì nó khiến người ta khó nắm bắt, khó hình dung. Nhưng bù lại, lợi thế của nó là mỗi người có thể dùng chữ để phát triển ra cái hình có tính chủ quan của mình. Cùng một chữ đó nhưng cho ra cả nghìn hình ảnh khác nhau trong nghìn cái đầu khác nhau. Tôi hay quan sát, “hóng hớt” bằng tai, bằng mắt, và thấy rằng gần như vật nào, người nào cũng có vấn đề, có “bệnh”. Người này nhìn người kia thấy bệnh, ngược lại, trong con mắt theo chuẩn của người kia thì người này cũng có bệnh thôi. Thế nên “bệnh” là một đặc điểm của mỗi cá nhân, tập thể, nó không đáng sợ. Tiết chế “bệnh” của mình để dung hòa được với “bệnh” của những người xung quanh thì sẽ ổn.

- Ở mỗi đầu câu chuyện nhỏ trong phần “Về” của tập truyện đều có một lời ngỏ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tôi nghĩ nó không đơn thuần là một lời ngỏ mà như một kết luận được rút ra từ mẩu chuyện chị kể?

- Không phải kết luận đâu! Những câu đó thường là câu hát/văn/thơ mà mình nghe/đọc trước khi viết. Nó gợi ý, gợi cảm xúc để phát triển những phần đó. Nghĩa là cái gạch đầu dòng đã lên sẵn, nhưng câu chuyện thực sự đi theo hướng nào thì sẽ phụ thuộc vào hôm đó khi bắt đầu viết thì đọc thấy gì, nghe thấy gì.

- Chị theo ngành Vật lý - một công việc mà người ngoài nhìn vào thấy rất khô khan. Trong khi đó, truyện của chị thì lại mềm mại, nữ tính. Hẳn sẽ có nhiều người nghĩ, chị viết văn để trải lòng?

- Thực ra Vật lý không phải lĩnh vực khô khan mà nó yêu cầu ta phải tưởng tượng nhiều. Làm việc ở Viện Vật lý cũng không căng thẳng, tôi thuộc tuýp người hay nói nên cơ bản không cần viết để trải lòng như nhiều người đoán. Tôi viết vì thích thôi, Văn học hay Vật lý tôi đều thích như nhau cả. Giống như thứ hai ăn phở bò, thứ ba ăn bún thang, ta không cần phải phân định rạch ròi là thích cái gì hơn.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!