Cầu thủ Việt: Nhọc nhằn kiếm sống

ANTĐ - Hàng trăm cầu thủ thất nghiệp, người vạ vật tại các sân “phủi” chờ cơ hội hợp đồng mới; người treo giày, chuyển nghề khác mưu sinh hay về quê làm bạn với con trâu, cái cày… 2012 có thể coi là năm “đại hạn” với giới cầu thủ Việt.

Nhiều cầu thủ buộc phải ra đường mưu sinh

Bỗng dưng… thất nghiệp

Bây giờ, ở Việt Nam, đá bóng chẳng còn là nghề hái ra tiền như những năm trước trước nữa. Nền kinh tế khó khăn khiến nhiều ông “bầu” rút lui khỏi bóng đá. Từ V-League đến hạng Nhất đều chung tình trạng lao đao. Ít nhất 8 đội bóng đã bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, bỏ lại hàng trăm cầu thủ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Những ngôi sao như Thành Lương, Công Vinh cũng không tránh khỏi lận đận tìm việc, số khác bị trừ lương, hoặc phải bỏ niềm đam mê, tìm kiếm công việc khác mưu sinh. Mạnh Tú (CLB Khánh Hòa) chuyển sang bán bánh cuốn, Viết Phú (CLB Bà Rịa Vũng Tàu) về nhà phụ mẹ bán rau, Trọng Phú (Lâm Đồng) hồi hương về nhà trồng trọt, chăn nuôi… chỉ là ít ví dụ trong số đó. Thậm chí, giới quần đùi áo số còn truyền tai nhau chuyện một cầu thủ Hà Nội sau khi đội bóng giải thể phải đi làm bảo vệ lương ba cọc ba đồng, hay trường hợp một cầu thủ suýt phải làm… trai bao để trang trải nợ nần sau thời gian dài thất nghiệp. Cũng bởi hệ lụy của khủng hoảng kinh tế nên giới cầu thủ Việt bây giờ, ngay cả những người từng có hợp đồng chuyển nhượng cả chục tỷ đồng cũng chuẩn bị sẵn tâm lý có thể… “ra đường” bất cứ lúc nào. 

Người sống khỏe, kẻ lao đao

Cùng chịu tác động từ khủng hoảng bóng đá, song mỗi cầu thủ lại có cách đối mặt và kết cục khác nhau. Với nhiều người, không còn được chơi bóng có buồn đôi chút song chẳng vì thế mà kinh tế gia đình bị ảnh hưởng, bởi đã sớm có ý thức tiết kiệm, vun vén cho tương lai. Có thể kể ra những trường hợp như Văn Nghĩa sau khi Navibank SG giải thể vẫn sống khỏe với tấm bằng kỹ sư xây dựng mà anh theo học khi còn là cầu thủ; thủ môn Văn Hạnh (K.Khánh Hòa) mở quán cà phê hay tiền vệ Quốc Hiền (CLB BĐ Hà Nội) xây sân tennis cho thuê bằng số vốn tích cóp được khi còn là cầu thủ. Rồi đến những cầu thủ như Hồng Sơn, Thành Lương, Tấn Trường… cũng đều sớm có ý thức lo cho tương lai bằng việc kinh doanh, nên khi các đội bóng chủ quản lao đao, chậm lương thưởng, họ vẫn có thể sống tốt. Bên cạnh đó, không ít cầu thủ đã sớm hoạch định tương lai bằng việc theo học ĐH TDTT, vừa để có hành trang vào đời sau này lại vẫn theo đuổi được niềm đam mê trái bóng.
Thế nhưng, không phải cầu thủ Việt nào cũng có ý thức như vậy. Ai cũng biết đời cầu thủ cùng lắm chỉ có chục năm thi đấu đỉnh cao, nhưng nhiều cầu thủ không biết tận dụng để kiếm chút vốn sau khi giải nghệ. Có những cầu thủ khi kiếm được nhiều tiền đã có thói quen ăn chơi, mua sắm hàng hiệu, đốt tiền vào những trò tiêu khiển. Buồn hơn là khi không còn đủ sức chạy trên sân, cầu thủ cũng chẳng biết làm gì kiếm sống bởi từ học vấn đến kỹ năng sống đều rất ít. Điển hình như trường hợp Văn Quyến. “Cậu bé vàng” một thời của bóng đá Việt Nam, phải bán đất để lấy tiền sống qua ngày. Đáng lo ngại hơn với lối sống buông thả, nhiều cầu thủ sau khi giải nghệ hay thất nghiệp bị dính vào tệ nạn xã hội gây ra nhiều vụ việc đáng tiếc, đau lòng, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. 

Tự cứu lấy mình

Khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục theo đuổi bóng đá Việt Nam trong những năm tới và để không trở thành nạn nhân trong vòng xoáy khủng hoảng, các cầu thủ chỉ còn cách tự cứu lấy mình. Bên cạnh việc trân trọng những đồng tiền làm ra bằng sức lao động bản thân, thì việc trau dồi học vấn, đạo đức phải được đặt lên hàng đầu. Thực tế hiện nay, rất nhiều cầu thủ dù tài năng có song ý thức và lòng tự trọng nghề quá kém, chỉ mải chạy theo đồng tiền. Và tất nhiên, khi bước qua thời đỉnh cao, tên tuổi chẳng còn mấy ai nhớ đến. Nó khác hẳn với những lứa cầu thủ trước, dù đã giải nghệ hàng chục năm song vẫn trở thành biểu tượng trong lòng người hâm mộ. Việc hàng trăm khán giả có mặt tại sân Hàng Đẫy, chăm chú theo dõi rồi suýt xoa theo từng pha bóng của các cựu danh thủ như Lê Văn Đặng, Đinh Xuân Hảo, Vũ Mạnh Hải, Hoa Mạnh Hưng, Trần Viết Cường… tại giải cựu cầu thủ Hà Nội do Báo ANTĐ tổ chức vừa qua, chính là một minh chứng. 
Cựu tiền vệ Thể Công, Vũ Mạnh Hải chia sẻ: “Bóng đá thời chúng tôi thiếu thốn đủ bề, nhưng tất cả đều ý thức cố gắng và nhiệt tình cống hiến. Không ít người, đến nay vẫn được người hâm mộ nhắc đến với sự tôn trọng, yêu quý. Thú thật tôi rất buồn với thực trạng cầu thủ trẻ hiện nay. Họ được sinh hoạt trong môi trường bóng đá đầy đủ vật chất, nhưng lại không biết trân trọng. Những Văn Quyến, Quốc Vượng… nếu xét về tài năng, rõ ràng họ hơn chúng tôi nhiều lắm chứ, nhưng sao bây giờ lại lâm vào thảm cảnh như vậy. Suy cho cùng, cũng bởi tự họ đã hủy hoại tài năng và danh phận của mình”. Xem các cựu danh thủ thi đấu tại giải giao hữu lão tướng, chứng kiến sự ái mộ của khán giả Thủ đô dành cho họ, nhiều người tự hỏi: “Không biết liệu các cầu thủ Việt Nam hiện tại, sau mấy chục năm nữa có được hưởng “ân huệ” đó từ khán giả như lứa đàn anh?”.