Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Câu chuyện của những “huyền thoại bầu trời”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tròn 50 năm đã qua đi kể từ tháng 12-1972, khi Không quân Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng… để rồi phải nhận thất bại cay đắng. Những vết thương chiến tranh trên mình Hà Nội ngày nào đã lành. Những người ở hai bên chiến tuyến cũng đã ngồi lại với nhau để xếp lại quá khứ, hướng đến tương lai. Nhưng câu chuyện về những ngày quân và dân Hà Nội cùng ra trận vẫn được kể mãi. Không phải để hận thù, mà để thấy giá trị của hòa bình cùng truyền thống bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam.

Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phụ cận miền Bắc Việt Nam mang mật danh “Chiến dịch Linebacker II”. Đây là chiến dịch có quy mô, lực lượng tác chiến trên không lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Mỹ huy động tối đa lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật và không quân hỗn hợp nhằm hủy diệt mọi tiềm lực của miền Bắc Việt Nam, quyết đánh quỵ khả năng chi viện cho cách mạng miền Nam, buộc Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải nối lại cuộc đàm phán ở Paris và chấp nhận các điều khoản có lợi cho Mỹ.

Cuộc hội ngộ của Đại đội bay đêm, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Cuộc hội ngộ của Đại đội bay đêm, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Thực tế đó đặt dân tộc ta trước thử thách khốc liệt khi những ưu thế về lực lương, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự đều thuộc về đối phương, Song, với ý chí quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 30-12-1972) quân và dân Hà Nội cùng các tỉnh thành miền Bắc đã làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, gây chấn động toàn thế giới. Đây là chiến dịch đầu tiên bắn rơi nhiều “Pháo đài bay” B.52 nhất, là đòn đánh trả nặng nề nhất đối với nước Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại tá Hoàng Biểu - nguyên Đại đội trưởng Đại đội bay đêm, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (ảnh lấy từ cuốn sách “108 Phi công chiến đấu Việt Nam” của tác giả Từ Phương Thảo và Ngô Nhật Hoàng)

Đại tá Hoàng Biểu - nguyên Đại đội trưởng Đại đội bay đêm, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (ảnh lấy từ cuốn sách “108 Phi công chiến đấu Việt Nam” của tác giả Từ Phương Thảo và Ngô Nhật Hoàng)

Những ngôi sao trên bầu trời đêm

Trong chiến công của quân và dân Thủ đô 50 năm về trước có một lực lượng thật đặc biệt: “Đại đội bay đêm săn B.52”. Đại đội này có ít người, nhưng chiến công mà họ lập được thật đáng tự hào. 50 năm qua, những phi công trẻ tuổi ngày nào giờ tóc đã bạc, lên chức ông nội, ông ngoại cả rồi. Chia tay bầu trời, họ về sống cuộc đời thường dưới mặt đất.

Đại tá Nguyễn Công Huy - cựu phi công tiêm kích MiG 21 của Đoàn Không quân Sao Đỏ - người từng bắn rơi chiếc F.4 trên bầu trời Hòa Bình lý giải về việc tại sao phải bay đêm để săn B.52: “Lực lượng bay đêm có 2 nhiệm vụ cùng lúc, vừa bay đêm nhưng đồng thời cũng phải bay chiến đấu ban ngày. Cuối tháng 7-1968, Đại đội 3 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ) được thành lập”. Nếu như bay ngày mọi việc đều rõ ràng và có thể quan sát bằng mắt thường thì bay đêm tất cả đều không nhìn thấy gì.

Trung tá phi công Vũ Đình Rạng, người đầu tiên bắn rơi B-52 năm 1971 (ảnh lấy từ cuốn sách “108 Phi công chiến đấu Việt Nam” của tác giả Từ Phương Thảo và Ngô Nhật Hoàng)

Trung tá phi công Vũ Đình Rạng, người đầu tiên bắn rơi B-52 năm 1971 (ảnh lấy từ cuốn sách “108 Phi công chiến đấu Việt Nam” của tác giả Từ Phương Thảo và Ngô Nhật Hoàng)

Bay ngày, các phi đội thường có từ 2 đến 4 máy bay, nhưng bay đêm thì chỉ có 1. Phi công lúc đó hoạt động độc lập như một chiến sĩ đặc công trên bầu trời. Khi bay đêm chỉ dựa vào các thiết bị trong buồng lái, phi công phải thao tác thành thục, chính xác, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cho nên, bay đêm, khó khăn hơn rất nhiều. Để đánh được kẻ địch vào ban đêm cũng khó khăn gấp nhiều lần so với đánh ngày, từ cách chỉ huy, cách đánh, cách dẫn đường đều khác hẳn. Thêm nữa, tại sao B.52 không đánh phá ban ngày dù gây nhiễu lớn? Ấy là bởi ban ngày hầu hết máy bay đều bị phát hiện bằng mắt và từ xa. Nếu radar phát hiện mà không có nhiễu thì chắc chắn 100% là bắn rơi B.52. Thậm chí, có nhiễu thì B.52 cũng bị hạ theo phương pháp bắn rất riêng. Chính vì thế, Không quân Mỹ đã tự tin cho B.52 tấn công Hà Nội vào ban đêm. Trước đó, họ đã đánh nát các sân bay nhằm ngăn chặn việc cất cánh của Không quân Việt Nam.

Phi công Vũ Đình Rạng kể lại lần đánh B52 vào năm 1971

Phi công Vũ Đình Rạng kể lại lần đánh B52 vào năm 1971

Đại tá Hoàng Biểu - nguyên Đại đội trưởng Đại đội bay đêm, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 kể tiếp: “Trong suốt 12 ngày đêm tháng 12-1972, chúng tôi chỉ bay đêm. Đại đội của chúng tôi được coi là lực lượng chính đánh B.52. Không quân Mỹ thời điểm đó xác định MiG 21 của ta là đối tượng chính cần phải tiêu diệt. Vì thế, trước khi rầm rộ mở cuộc tập kích trên bầu trời Hà Nội, đêm 18-12, Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá hàng loạt sân bay của ta.

Nhưng do ngay từ đầu ta đã ở thế chủ động nên ngay sau khi các đường băng bị ném bom, chúng ta đã nhanh chóng sửa chữa. Mỹ tưởng rằng đã đánh hết sân bay thì máy bay của ta không thể nào cất cánh được. Nhưng trong suốt 12 ngày đêm, không quân của ta vẫn cất cánh, không ở sân bay này thì ở sân bay khác. Chúng tôi đã cơ động qua các sân bay dã chiến như Yên Bái, Kép, Miếu Môn, Cẩm Thủy, Thọ Xuân… Đại đội bay đêm vẫn chặn đánh B.52 và lập nhiều chiến công”.

Cụ thể, đêm 27-12-1972, phi công Phạm Tuân cất cánh từ sân bay Yên Bái bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B.52. Đêm 28-12, dù trước đó sân bay Cẩm Thủy bị bắn phá tan nát, nhưng phi công Vũ Xuân Thiều vẫn cất cánh và bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B.52 trên vùng trời Sơn La. Đêm 29, rạng sáng 30-12, phi công Bùi Doãn Độ bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F.4. Đây là chiếc máy bay cuối cùng bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc vì sau đó Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam.

Câu chuyện của những con én bạc

Đại tá Nguyễn Công Huy kể tiếp, phi công đánh đêm không chỉ tham gia đánh đêm mà trước đó còn tham gia bảo vệ con đường chiến lược 559. Phi công Hoàng Biểu (Đại tá Hoàng Biểu) và Đinh Tôn (Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đinh Tôn) được các đồng đội đặt cho biệt danh là “Biểu Sê Pôn, Tôn Đường 9” (phạm vi hoạt động của các phi công). Khi biết có máy bay ta xuất hiện trong khu vực thì B.52 hầu như không dám cất cánh. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của bộ đội dưới mặt đất. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559 ngày ấy cũng từng nhận định, khi không quân ta hoạt động thì xe có chạy cả tiểu đoàn không phải lo lắng gì.

Trong khi tất cả các sân bay của ta đều bị đánh phá thì đã có những chuyến cất cánh rất “độc” và “lạ”, không hề có trong sách vở, ví dụ như cất cánh bằng đường ngang, đường lai dắt máy bay. Để hoàn thành được nhiệm vụ đánh đêm, tất cả các phi công bằng mọi giá phải đưa được máy bay lên trời, sau đó nếu không thể hạ cánh được thì nhảy dù hoặc hạ cánh vào… hố bom. Chuyện hạ cánh vào hố bom là chuyện rất bình thường đối với đội bay đêm.

Ví dụ, đêm 18-12, phi công Phạm Tuân khi hạ cánh cũng buộc phải lao vào hố bom. Phi công Trần Cung hay Vũ Đình Rạng cũng từng hạ cánh vào hố bom. Đêm 27-12-1972, phi công MiG 21 Nguyễn Khánh Duy nhận lệnh cất cánh từ đường lai dắt của sân bay Kép. Khi đó, máy bay đeo 3 thùng dầu phụ và trước mặt là cả mương nước. Nếu kéo máy bay không lên kịp thì sẽ đâm xuống mương, lại chỉ có 1 hàng đèn vô cùng tù mù, ấy thế mà máy bay vẫn tung cánh trên trời để bảo vệ Hà Nội.

Phi công Nguyễn Khánh Duy nhớ lại: “Tôi vẫn phải cảm ơn người chỉ huy khi đó là đồng chí Đễ (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Từ Đễ - PV) đã hướng dẫn tôi cất cánh thành công để tôi còn sống và trở về. Đường cất cánh chỉ lớn hơn đường quốc lộ một chút, hàng đèn cất cánh là đèn dầu và chỉ có một bên. Đường băng thì xoắn, chúng tôi được học chiêu thức “cất cánh tiết kiệm đường băng”. Chuyến đó, tôi cất cánh thực hiện nhiệm vụ thành công mà Sở Chỉ huy giao, lúc về hạ cánh tại sân bay Nội Bài”.

Trước khi mở Chiến dịch Linebacker II thì B.52 đã từng trải qua “đêm định mệnh” 20-11-1971 khiến toàn nước Mỹ và nhà Trắng rung chuyển bởi phi công Vũ Đình Rạng đã bắn bị thương “Pháo đài bay”. Thượng tá Vũ Đình Rạng ngoài việc được tham gia chiến dịch 12 ngày đêm còn đồng thời đảm nhận các nhiệm vụ trong chiến trường Khu 4. Ông đã có nhiều lần cất cánh, bảo vệ trọng điểm tuyến đường 559 - tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam. “20h, có nhiễu của B.52, tôi được lệnh cất cánh từ sân bay Dừa. Không có chỉ huy, không có liên lạc, tôi bay theo sơ đồ đã được chuẩn bị sẵn.

Hoạt động ở chiến trường Khu 4 luôn phải bay trong điều kiện “bay thấp dễ đâm vào núi, bay cao thì radar địch phát hiện”. Chúng tôi không có chỉ huy, không có liên lạc, cứ theo phương án mà thực hiện” - Thượng tá Vũ Đình Rạng kể về thời điểm hạ B.52 đêm 20-11-1971. Do chiếc B.52 này không bị rơi tại chỗ nên chúng ta không đưa vào thống kê. Sau này, trong một lần đối thoại với sỹ quan dẫn đường ở Sở chỉ huy B3 là đồng chí Lê Thành Chơn, Thiếu tá F.Wantterhahn (viên phi công có 180 lần bay vào vùng trời miền Bắc) đã nói rõ về số phận chiếc B.52 bị Vũ Đình Rạng bắn trúng. Đó là nó bị thương rất nặng, hỏng 1 động cơ, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhon Phanom (Thái Lan), sau đó bị tháo rời đưa về căn cứ Utapao và phải xóa tên khỏi biên chế lực lượng Không quân chiến lược Mỹ.

Tháng 10-2018, một cuộc hội ngộ thú vị đã diễn ra giữa phi công Vũ Đình Rạng và cơ phó của chiếc B.52 ngày đó là phi công David Robert Volker. “Ông là phi công khiến tôi rất khâm phục. Tôi quá may mắn mới không bị bắn rơi ngay đêm đó. Toàn bộ phi hành đoàn chúng tôi nợ ông một mạng sống” - David Robert Volker nói với người từng đối đầu với mình trên bầu trời Việt Nam năm 1971.

Nhắc đến phi đội bay đêm đánh B.52 ngày ấy, không thể không nhắc đến chiến công của Đại tá, phi công Bùi Doãn Độ. Ông là người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trên bầu trời Hà Nội, kết thúc 12 ngày đêm Thủ đô kiên cường đánh trả “Pháo đài bay”. Trong 12 ngày đêm, Đại tá Bùi Doãn Độ trực tiếp tham gia 3 trận. Ông nhớ lại lần bay đầu tiên vào đêm 21-12-1972 ở sân bay Miếu Môn: “Ngay từ lần đầu cất cánh đã có thử thách, bởi lẽ đèn đường băng phập phù lúc có lúc không. Lệnh chỉ huy đã đưa ra, tôi không được phép chần chừ.

Ngay khi đèn sáng, tôi bật tăng lực chạy được 10 giây thì đèn đường băng lại tắt. Trong khoảnh khắc đèn sáng trở lại thì máy bay đã gần như lệch khỏi đường băng. Đúng lúc đó tôi giật cần lái bay lên”. Nhớ lại thời điểm bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ, phi công Bùi Doãn Độ kể tiếp: “Khoảng 23h ngày 29-12, tôi lái MiG-21 xuất kích từ sân bay Kép (Bắc Giang). Sau đó Sở chỉ huy thông báo có 1 máy bay địch ở cự ly cách tôi khoảng 7.000 - 8.000m. Chỉ trong khoảng 5 - 7 giây áp sát tôi đã nhìn thấy địch, lúc đó chiếc F-4 đang bay cao hơn tôi.

Khi còn cách nhau khoảng 1.000m thì tôi bật tăng lực toàn phần, kéo thanh ngắm vào mục tiêu và phóng 2 quả tên lửa rồi thoát ly. Tôi vừa báo về Sở chỉ huy “tôi thoát ly bên phải” thì cấp trên chỉ đạo “anh thoát ly bên trái”. Tôi lật máy bay lại thì thấy máy bay của mình và máy bay địch gần như ngang nhau. Chiếc F-4 cắm đầu xuống phía dưới khoảng 40 độ, lửa bùng ra trên thân nó. Về sau tôi mới biết nó đã rơi xuống huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ”. Năm đó, phi công Nguyễn Doãn Độ mới 22 tuổi.

Phi công Nguyễn Đức Chiến của Trung đoàn không quân tiêm kích 921 cho biết, trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội năm 1972, các phi công của Không quân nhân dân Việt Nam tham gia đánh trả B-52 là những người có kỹ thuật giỏi để bay đêm. Họ đều là các phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công chiến đấu.