Cắt rừng gùi hàng đến với học sinh nơi “ốc đảo”

ANTĐ - “Bên phải là hồ thủy điện Na Hang, bên trái là hồ Ba Bể, cách duy nhất vào điểm trường Đán Mẩy là đi bộ. Trời nắng ráo thì còn đỡ, trời mưa thì chỉ có… khóc”, thầy Triệu Văn Báo, Hiệu phó trường PTCS Nam Mẫu nói với chúng tôi như vậy khi biết đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô và nhóm tình nguyện Hoa Cúc Xanh có ý định vào đây. Vậy nhưng hơn 160 suất quà vẫn đến được tận tay học sinh Đán Mẩy nhờ những tấm lòng thiện nguyện.

Ốc đảo giữa rừng già

Nằm trong lõi vườn quốc gia Ba Bể, điểm trường Đán Mẩy bao năm nay vẫn chưa có điện cho dù lòng hồ của nhà máy thủy điện Na Hang chỉ cách đó trong tầm mắt. Ngay cả những cô giáo cắm bản của điểm trường Đán Mẩy mỗi lần nhắc tới cung đường đi dạy cũng phải lắc đầu ngán ngẩm bởi chỉ riêng việc vào và ra cũng đã mất gần 1 ngày. Vào Đán Mẩy chỉ có 2 cách, hoặc cuốc bộ 15km đường núi từ xã Nam Mẫu, hoặc đi thuyền trên hồ Ba Bể rồi đi bộ thêm 6km đường rừng. Bởi đi lại khó khăn nên bao lâu nay, Nam Mẫu vẫn chỉ như một “ốc đảo” cô lập cả về văn hóa và kinh tế.

Chuyến xe chở hàng của đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô và nhóm tình nguyện Hoa Cúc Xanh buộc phải dừng lại ở bờ hồ Ba Bể để bốc dỡ hàng xuống “tăng bo” bằng thuyền. Đây là cách được coi là tiết kiệm sức lực nhất bởi để đưa hàng vào tới điểm trường cho các em, không còn cách nào khác ngoài cõng hàng trên lưng.

Cắt rừng gùi hàng đến với học sinh nơi “ốc đảo” ảnh 1

Niềm vui khi được nhận quà

3 chiếc thuyền sau 1 giờ lòng vòng trên mặt hồ cuối cùng cũng cập bến Đầu Đẳng. Từ đây, số hàng hóa được người dân và thành viên đoàn công tác tiếp tục gùi vượt dốc tới điểm trường. Người ít thì dăm ba thùng mì, người nhiều thì vác ngót 20kg, quãng đường cắt rừng chỉ 6km mà ai cũng có cảm giác như vô tận. Mũi và miệng thi nhau thở, mồ hôi vã ra như tắm dưới cái nắng gắt chốn rừng già. Những con dốc như níu bàn chân không cho bước nữa. Khi áo ướt lại khô chừng 3 lần, cái mệt lên tới đỉnh điểm, Đán Mẩy cũng hiện ra với lũ trẻ nhem nhuốc nhưng ánh mắt lộ rõ sự háo hức mong chờ. “Lâu lắm rồi Đán Mẩy mới có khách. Nhất là khi khách lại mang tới cho các em nhiều quà đến thế này” - cô giáo Mã Ngọc Diệp, giáo viên cắm bản ở đây mừng rỡ nói.

Điểm trường Đán Mẩy có chưa đầy 100 học sinh nhưng lại là địa bàn khó khăn nhất trong huyện. Đời sống đồng bào chủ yếu chỉ dựa vào nương ngô, rẫy sắn nên còn muôn vàn thiếu thốn. Nghe tin có đoàn công tác lên thăm, hầu hết học sinh của Đán Mẩy và các điểm trường lẻ ở thôn bản khác đều tề tựu đông đủ từ sáng sớm. Với chúng, cái ăn cái mặc hàng ngày còn chẳng có thì chuyện được tặng bánh kẹo, sách vở là chuyện quá đỗi xa vời. Anh Lý Văn Bàn - cha em Lý Văn Mình ở bản Nà Phại bảo: “Cô giáo nói hôm nay con tôi sẽ được phát quà, có đầy đủ từ thực phẩm đến áo quần,  sách vở… nên tôi nghỉ đi nương đưa cháu đến đây từ sáng. Từ trước tới nay thằng Mình chưa bao giờ được tặng quà”.

Mong tiếp những chuyến hàng

Chỉ trong nháy mắt, số hàng hóa mà chúng tôi mất hơn nửa ngày mới gùi vào tới Đán Mẩy được chia hết veo. Những thùng mì được lũ trẻ lập tức bóc ra rồi chia nhau bẻ như ăn bánh. Thầy Triệu Văn Báo cười ngượng nghịu: “Nói các anh thông cảm, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. 100% các em học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc Mông và đều trong diện hộ nghèo. Với chúng, mì tôm là thứ quà xa xỉ giống như kẹo bánh của trẻ dưới miền xuôi vậy”.

Cắt rừng gùi hàng đến với học sinh nơi “ốc đảo” ảnh 2

Cắt rừng gùi hàng mang vào điểm trường cho các em học sinh

Không chỉ có trò mà ngay cả các thầy cô giáo cắm bản ở Đán Mẩy cũng khó khăn không kém. Cô Mã Ngọc Diệp đã có 2 năm “thâm niên” dạy học tại ngôi trường heo hút này, nói: “Giáo viên bọn em đi dạy thì phải chuẩn bị lương thực, vật dụng cá nhân sử dụng cho cả tuần. Cứ chiều thứ sáu về nhà thì trưa chủ nhật quay lại trường ai cũng phải vác theo một bao tải gạo, rau, mắm muối cho tuần kế tiếp. Ở trong này không có chợ, bà con nghèo đến mức kể cả thầy cô có muốn bỏ tiền ra để mua cái ăn họ cũng chẳng có gì để bán”.

Cô Diệp mới sinh con, nhưng để giữ nghề, hết kỳ thai sản là cô bế cả con đi dạy. Thương vợ con nên chồng cô, một kỹ sư cơ khí cũng phải nghỉ việc để vào sống cùng tại điểm trường, hai vợ chồng đến cuối tuần lại lầm lũi cắt rừng về. Khó khăn vất vả thế, nhưng cô Diệp bảo: “So với đời sống đồng bào ở đây, nỗi vất vả của chúng em cũng chưa thấm gì. Đã theo nghề dạy học thì cần nhất là giữ chân học sinh. Nếu giáo viên không cắm bản thì các em sẽ bỏ học hết. Chúng em không ngại khó, chỉ mong sao nhận được thêm nhiều sự quan tâm hơn nữa từ các nhà hảo tâm thì cuộc sống của các em học sinh sẽ đỡ khó khăn đi rất nhiều”.

Chúng tôi tin những sẻ chia của cô Diệp, thầy Báo là sự thật. Cuộc sống, việc học hành của trẻ em vùng cao vẫn luôn cần thêm nhiều những chuyến hàng như thế này. Và chúng tôi cũng mong sẽ có thêm nhiều nhóm thiện nguyện, nhiều tấm lòng như Hoa Cúc Xanh sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo An ninh Thủ đô đến với những ngôi trường xa hút.