Cắt giảm chi tiêu để đầu tư cho biển đảo

ANTĐ - Ngày 3-6, trao đổi với phóng viên ANTĐ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, ông Trần Du Lịch cho rằng, 16 nghìn tỷ đồng đầu tư cho Biển Đông là chưa đủ. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cắt giảm tối đa các khoản chi thường xuyên để dành cho Biển Đông.

- Có ý kiến nói 16 nghìn tỷ đồng đầu tư cho ngư dân và lực lượng chấp pháp trên biển là chưa đủ?

- Những giải pháp của Chính phủ trong đầu tư hỗ trợ ngư dân và lực lượng chấp pháp trên biển trước đây chỉ là tạm thời, chưa phải chính sách có tính chiến lược. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải tính toán xem xét đầu tư ở những việc khác. Có thể nói, lúc này, chúng ta cần rất nhiều tiền. Con số 16 nghìn tỷ đồng là từ cân đối một số nguồn năm 2013 dư ra, nhưng quan điểm của tôi còn nhiều nguồn cần phải cắt giảm nữa. Có ĐBQH nói có thể dư 5 -10 nghìn tỷ đồng nữa, đó là cắt những thứ chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, đi nước ngoài, mua sắm xe công... Những khoản cắt giảm đó có thể đầu tư cho những vấn đề nóng như Biển Đông, còn sang năm tới, chúng ta phải tính toán bài bản hơn.

- Nói tới chính sách mang tầm chiến lược, ông có thể đưa ra những ý tưởng ban đầu?

- Về ngư nghiệp, tôi cho rằng, có hai loại đầu tư phải làm. Thứ nhất, phải xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá mà chúng ta đã quy hoạch thành 5 khu, xây dựng ngay một khu ở miền Trung trước. Thứ hai, cần thành lập quỹ và có định chế để có thể đóng tàu thuyền cho ngư dân thuê, xây dựng gói tín dụng... Tất cả những việc đó phải được tính toán dài hơi. Bởi những tính toán mang tính ứng phó sẽ không bền vững. Tôi đề nghị Chính phủ nên tính toán kỹ những việc đó để đến kỳ họp tới đưa ra Quốc hội thảo luận và quyết. 

- Một số đại biểu đã đề xuất giải pháp để kinh tế trong nước nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc bên ngoài, ông có suy nghĩ gì?

- Vấn đề Biển Đông rất cần sự đồng thuận của người dân. Còn vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới độc lập, tự chủ về kinh tế là chiến lược quốc gia. Việc đó không thể làm theo kiểu phong trào được, phải làm bài bản, khoa học. Chẳng hạn, như tái cấu trúc ngành nông nghiệp, Chính phủ có đưa ra một loạt chính sách nhưng tôi thấy vẫn cần nghiên cứu thêm. Thứ nữa, nông nghiệp phải có công nghiệp hỗ trợ đi kèm mới phát triển bền vững. Nếu không có những nghiên cứu kỹ càng, chúng ta không nhanh chóng chuyển hướng kinh tế được và tất nhiên không dễ thoát khỏi sự phụ thuộc bên ngoài.