Cạnh tranh công nghiệp Việt Nam: Thăng hạng nhưng chưa bền vững

ANTĐ - Báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam 2011 được Bộ Công Thương công bố ghi nhận sự thăng hạng của Việt Nam. Tuy nhiên, vị trí xếp hạng này vẫn chưa bền vững.

Sử dụng công nghệ cao giúp ngành công nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng

(Trong ảnh: Công ty TNHH Cơ khí Đông Anh đã cải tiến và làm chủ được công nghệ sản xuất các nút cầu của kết cấu giàn không gian hiện đại)

Công nghiệp chuyển dịch năng động

Ông Manuel Albaladejo - Chuyên gia nghiên cứu công nghiệp của Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ - UNIDO tại Áo cho rằng, tính cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt khi tăng 14 bậc, từ vị trí thứ 72 năm 2005 lên vị trí thứ 58 năm 2009, vượt qua cả những đối thủ cạnh tranh lớn với những nền kinh tế có truyền thống công nghiệp hóa lâu đời như: Ai Cập, Morocco và Nga. Giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế tạo cũng tăng thêm 12%, từ 5,8 tỷ USD trong năm 2000 lên 15,4 tỷ USD vào năm 2009 nhờ mối liên kết mạnh mẽ giữa công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Việt Nam là quốc gia tăng trưởng sản xuất nhanh nhất trong khu vực, nước duy nhất không chịu ảnh hưởng nhiều của khủng hoảng tài chính. Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo vẫn tăng 20%. “Nền kinh tế Việt Nam có đủ độ mở, được ghi nhận là trung tâm sản xuất các sản phẩm chế tạo tính theo đầu người chỉ đứng sau Trung Quốc” - ông Manuel Albaladejo nhận xét.

Bên cạnh đó, nền công nghiệp Việt Nam có tính năng động cao. Trong 10 năm qua, công nghiệp có sự chuyển dịch, đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu của hầu hết khách hàng ở bất cứ nơi đâu. Doanh nghiệp Việt Nam biết lắng nghe và đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Một điểm khác nữa là họ đã biết lựa chọn số lượng các thị trường một cách phong phú, đa dạng, tránh được những rủi ro nếu chỉ tập trung vào một thị trường. Ngoài ra, khả năng học hỏi nhanh, giá lao động rẻ tạo ra động lực phát triển công nghiệp, gia tăng lợi thế cạnh tranh công nghiệp cho Việt Nam.

 “Nút thắt” công nghệ

Đây là một trong những vấn đề cản trở bước tiến của ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay khiến cho dù được thăng hạng nhưng vẫn tụt hậu, đứng sau các nước trong khu vực. Theo ông Manuel, Việt Nam còn dựa quá nhiều vào công nghệ thấp trong sản xuất, lương thấp nên cạnh tranh quốc tế khó. Theo thống kê của UNIDO, ngành sản xuất lương thấp, sử dụng công nghệ ít sức lao động của công nhân chiếm tới 70% là quá cao. Số lượng các ngành công nghệ cao đóng góp cho xuất khẩu chỉ tăng 10% trong vòng 10 năm (2000-2009). “Doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam khi tìm được nơi mới có lương và giá thành tốt hơn. Bởi vậy, Việt Nam phải giải quyết vấn đề công nghệ” - ông Manuel cảnh báo.

Thừa nhận hạn chế này, ông Lê Hữu Phúc - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Công Thương) đưa ra ví dụ, thời điểm năm 1995, chúng ta chỉ mơ sản xuất được 20.000 động cơ diezen/năm. Hiện giờ, công suất chế tạo động cơ này đã lên tới 40.000 sản phẩm/năm, tăng rất cao nhưng nhìn vào giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm lại rất thấp. Theo ông Đỗ Hữu Hào - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát triển công nghiệp dựa trên khai thác tài nguyên và sức lao động sẽ không bao giờ tạo ra được bước nhảy vọt nên Việt Nam vẫn là nước nhập siêu. Việt Nam sẽ không giải quyết được vấn đề nhập siêu nếu không đưa công nghệ giá trị gia tăng cao vào sản xuất. “Đương nhiên, để làm được điều này, lại cần đến nhóm giải pháp về nguồn nhân lực” - ông Hào nói. Các chuyên gia quốc tế cũng cho hay, điều cốt yếu trong đào tạo nhân lực là phải tập trung cho họ có những kỹ năng cụ thể.

Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế cũng khuyến cáo, Việt Nam nên hạn chế can thiệp hành chính trong việc đạt được các mục tiêu sản xuất, thay vào đó là sử dụng các biện pháp thị trường. Đồng thời, giữa các bộ, ngành cần hạn chế tình trạng “phân mảnh”, không thống nhất để tạo chính sách đầu tư công nghệ thông thoáng từ các doanh nghiệp nước ngoài. “Các bộ, ngành cũng giống như một đội bóng, nhưng thay vì có một khung thành thì có đến 11 khung thành khiến mỗi cầu thủ đá vào một hướng khác nhau. Điều đó làm nhà đầu tư thấy lẫn lộn, rối rắm. Cần phải có chiến lược tốt, thống nhất để ai đá bóng cũng về đúng một hướng” - ông Jonathan Pincus, đại diện kinh tế trưởng UNDP tại Hà Nội chia sẻ.