Cảnh sát 113 xin nghe!

ANTĐ - Nhận mệnh lệnh từ Trung tâm tiếp nhận, xử lý tin 113 Phòng Cảnh sát trật tự, CATP Hà Nội, tổ phản ứng nhanh 113 CAH Đan Phượng lập tức lên đường giải quyết vụ gây rối TTCC.

Trực ban luôn tay ghi chép những thông tin liên quan đến tình hình ANTT


Bi hài những chuyện nghề...

Tại các công an quận, huyện trong thành phố, lực lượng 113 được sáp nhập vào Đội Giao thông với tên gọi chung là Đội Cảnh sát giao thông trật tự phản ứng nhanh (Đội CSGT-TT-PƯN). Tuy nhiên, có đến tận nơi, chứng kiến công việc thường nhật của Đội CSGT-TT-PƯN mới thấy có rất nhiều câu chuyện cảm động xen lẫn không ít bi hài, rắc rối và cả phiền toái.

Khoảng 16h một ngày giữa tháng 6-2011, Đội CS 113 trụ sở 2 đóng tại quận Hà Đông, Hà Nội nhận được điện thoại của người dân thông báo tại Cầu Trắng, Hà Đông có một phụ nữ cần giúp đỡ... Chỉ 5 phút sau, tổ công tác đã có mặt, phát hiện một cô gái đang nằm ngất xỉu ở ven đường, chân tay co quắp, bên cạnh là chiếc xe máy. Tổ công tác mang xe của người bị nạn về trụ sở, một mặt cắt cử Trung úy Mai Anh Dũng đưa cô gái đến thẳng bệnh viện Quân y 103. Nhanh chóng xuống xe, đưa cô gái vào thẳng phòng cấp cứu, rồi làm thủ tục, đứng ra bảo lãnh với bệnh viện trong lúc chờ tìm được người nhà đến giải quyết, hình ảnh ấy của người chiến sỹ 113 đã làm nhiều người ở bệnh viện xúc động. Ngay sau khi cô gái tỉnh lại, nhờ tìm số điện thoại của mẹ trong điện thoại di động, Trung úy Dũng đã điện thoại báo cho gia đình ở Mễ Trì. Sau đó, Trung úy Dũng còn chở bố cô gái về trụ sở công an lấy xe máy.

Hỏi chuyện mới biết, cô gái đang trên đường đi tìm địa điểm để ôn thi đại học thì bị cảm đột ngột, ngất nằm ngay ven đường. Cảm kích trước tấm lòng và sự tận tụy của các anh đối với người dân, mấy ngày sau gia đình cô gái đã đến tận trụ sở mang quà quê đến cám ơn.

Bất kể tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở đâu, nghe thông tin các anh phải có mặt đầu tiên để bảo vệ hiện trường và đưa người lên xe vào bệnh viện cấp cứu. Ngược dòng thời gian trở về đầu năm 2009, câu chuyện gắn với kỷ niệm “nhớ đời” của Trung úy trẻ Hoàng Xuân Khánh khi bắt giữ 2 đối tượng trộm xe máy. Khi ấy, tổ công tác CSGT TT PƯN CAH Đan Phượng đang phân luồng giao thông ở ngã 3 đê thuộc xã Liên Trung, bất ngờ phát hiện tiếng tri hô đuổi bắt trộm. Trung úy Khánh liền trưng dụng 1 xe máy của người dân để đuổi theo. Đuổi được 2-3 km, hai đối tượng rẽ vào đường cụt, chúng bỏ xe lại chạy men theo đường ruộng. Người dân xung quanh đã kịp khống chế được một đối tượng. Tên còn lại đã chạy ra giữa cánh đồng, nhảy xuống ao. Với quyết tâm bằng mọi cách phải bắt giữ đối tượng, chiến sỹ trẻ đã lao theo hướng tên trộm vừa nhảy túm áo giật đối tượng lại. Sau khi bắt giữ được đối tượng, Trung úy Khánh mới sực nhớ ra, mình không biết bơi mà dám lao giữa ao để bắt tên trộm. “Lên bờ, tôi mới nhớ là mình không biết bơi” - Khánh chia sẻ. Nhờ có bài học đó mà Trung úy trẻ này học bơi và giờ đã khá thành thạo.

CS 113 - lực lượng “ba trong một”

Mỗi ngày trung tâm 113 của CATP nhận được 1.500 - 1.600 cuộc điện thoại, nhưng hầu hết các cuộc điện thoại liên quan đến ANTT chỉ 5 - 6% là thông tin chính xác, còn lại là những câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống vợ chồng, gia đình con cái. Các anh nói vui với nhau là “1001 chuyện nghề 113” - Trung tá Nguyễn Phú Vinh, Đội trưởng CSGT TT PƯN Hoài Đức nói. Trong năm 2011, tổng số cuộc gọi đến Trung tâm Cảnh sát 113 là 508.684 thì có  26.663 tin báo của người dân liên quan đến tin ANTT và chỉ chiếm khoảng 6%. Có những số gọi liên tục nhưng khi cán bộ nhấc máy lại không thấy nói gì. Có ngày, một số máy gọi đến vài chục lần để quấy rối.  Theo quy định, dù nhiều khi cảm thấy căng thẳng đến khó chịu nhưng chiến sỹ trực ban vẫn phải kiềm chế, giữ lịch sự và không to tiếng. Cách xử lý tốt nhất là trả lời dứt khoát và dập máy nếu đầu dây bên kia có biểu hiện không nghiêm túc.

Gọi là CS 113, nhưng thực chất những người trong lực lượng này phải kiêm nhiều nhiệm vụ mà anh em vẫn nói vui là lực lượng “3 trong 1” bởi ở cấp quận, huyện, CS 113 nằm trong biên chế Đội CSGT-TT-PƯN, không tách thành bộ phận nghiệp vụ riêng. Do đó, ngoài bộ phận Trung tâm tiếp nhận thông tin đầu não, toàn bộ chiến sỹ từ thành phố đến các quận, huyện đều làm việc cơ động. Ban ngày tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự đô thị, đảm bảo giao thông, khi nhận được thông tin từ Trung tâm thông tin CS 113 thì triển khai nhiệm vụ ngay. Do yêu cầu nhiệm vụ xử lý các thông tin “nóng” liên quan đến ANTT nên yếu tố “nhanh nhất” được CS 113 đặt lên hàng đầu, kịp thời đến hiện trường giải quyết các vụ việc bắt giữ tội phạm, bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn, thu hồi tang vật. 11721 là con số những vụ gây rối TTCC, đánh nhau đã được ngăn chặn trong năm 2011 nhờ sự xuất hiện sớm của CS 113.

Trung tá Phạm Cao Bỉnh, Đội phó đội CS 113 số 1 chia sẻ thêm về công việc trực ban CS 113: “Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận đủ thứ thông tin đến Trung tâm CS113, có lẽ vì người dân cho rằng đây là kênh thông tin nhanh nhất khi cần sự trợ giúp, họ không hiểu rằng chỉ nên liên lạc với cảnh sát 113 khi có vấn đề liên quan đến an ninh trật tự mà thôi”.