Cảnh giác với "chiêu" lập vi bằng lừa đảo bán đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Không là chủ sở hữu của bất cứ bất động sản nào, nhưng với thủ đoạn lập vi bằng, nhiều đối tượng chuyên nghiệp đã lừa đảo trót lọt số tiền hàng tỷ đồng.

Tinh vi thủ đoạn lập vi bằng để bán đất không thuộc sở hữu

Ngày 4-10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phùng Đức Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội 12 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lợi đã dùng thủ đoạn gian dối qua việc mời Văn phòng Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận sự kiện, Lợi là chủ sở hữu của diện tích nhà đất không đúng sự thật rồi bán để chiếm đoạt số tiền 950 triệu đồng.

Quá trình điều tra xác định, Lợi nhận chuyển nhượng 2 thửa đất của bà Lưu Thị Cố từ năm 2007 nhưng đã bán cho nhiều người khác nhau và một trong số đó là anh Phạm Văn Đoàn.

Phùng Đức Lợi đã bị tuyên phạt 12 năm tù giam do lừa đảo thông qua thủ đoạn bán đất không thuộc sở hữu bằng vi bằng

Phùng Đức Lợi đã bị tuyên phạt 12 năm tù giam do lừa đảo thông qua thủ đoạn bán đất không thuộc sở hữu bằng vi bằng

Năm 2010, anh Phạm Văn Đoàn chuyển nhượng một mảnh đất có diện tích khoảng 100m cho ông Nguyễn Văn Duy. Một năm sau đó, gia đình ông Duy rao bán đất và ngôi nhà trên mảnh đất đó. Mặc dù không còn không liên quan đến mảnh đất này nhưng Phùng Đức Lợi đã mời thừa phát lại Vũ Nhật Thành thuộc Văn phòng thừa phát lại Hà Đông lập vi bằng số 378/2017/VB-TPLHD, với nội dung ghi nhận sự kiện Phùng Đức Lợi lập giấy xác nhận là chủ sở hữu diện tích 94m đất, có căn nhà cấp bốn thuộc phần diện tích 1.500m, nhận chuyển nhượng của gia đình bà Lưu Thị Cố.

Khi có vi bằng trong tay, Phùng Đức Lợi đã sử dụng vi bằng này để chứng minh mình là chủ sở hữu đất, nhà làm anh Trung tin tưởng để lập vi bằng xác nhận việc Lợi chuyển nhượng mảnh đất, nhà của ông Nguyễn Văn Duy cho anh Nguyễn Văn Trung, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội với giá 950 triệu đồng mà không có sự đồng ý của ông Duy và gia đình.

Trước đó, ngày 26-5, TAND TP.HCM cũng tuyên phạt Ngô Tú Trâm (SN 1989) trú tại quận Tân Bình, TP.HCM 16 năm tù giam và Phạm Thị Cúc (SN 1972) tú tại quận 12, TP.HCM 7 năm tù giam cũng với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngô Tú Trâm làm nghề môi giới bất động sản khi thấy một số người dân có nhu cầu mua đất bằng hình thức lập vi bằng giao nhận tiền, không qua công chứng theo quy định đã thuê Phạm Thị Cúc giả làm chủ nhà, người thân của chủ nhà, giả chữ ký trong 6 vụ mua bán để chiếm đoạt số tiền gần 3 tỷ đồng.

Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng

Luật sư Đặng Văn Sơn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, vi bằng chỉ là văn bản ghi nhận lại sự việc, hành vi có thật đã xảy ra do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, được lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật, không có giá trị thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

Vi bằng chỉ là văn bản ghi nhận sự kiện không có giá trị thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác

Vi bằng chỉ là văn bản ghi nhận sự kiện không có giá trị thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác

Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan khác. Không có quyền thực hiện việc công chứng, chứng thực cũng như kiêm nhiệm các chức danh khác như công chứng viên, luật sư.

Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm, hiểu cụ thể thì thừa phát lại đóng vai trò người làm chứng, khẳng định sự việc được ghi lại trong vi bằng là có xảy ra nhưng không xác nhận tính pháp lý, đúng - sai của sự việc.

Luật sư Đặng Văn Sơn cũng cho rằng, việc mua bán nhà đất qua vi bằng vô cùng rủi ro bởi thực hiện nhiều lần, qua nhiều người, chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa có pháp lý đầy đủ, chưa đúng quy định. Nguy hiểm hơn, có chủ sở hữu tài sản vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi tài sản đã thế chấp ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy tay). Điều này làm phát sinh tranh chấp, khiến công tác quản lý đất đai của cơ quan chức năng gặp khó khăn.

Vi bằng chỉ ghi nhận hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán tài sản. Đó không phải là cơ sở để sang tên đổi chủ cho bên mua. Do vậy, người dân khi tiến hành các giao dịch liên quan đến nhà đất cần thận trọng, tránh “tiền mất, tật mang”...