Cảnh giác chiêu trò giả mạo nhà mạng lừa nâng cấp SIM 4G

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gửi thư đến Báo ANTĐ, chị Nguyễn Thu H. (quận 1, TP HCM) cho biết chỉ vì một phút sơ suất tin người, chị đã bị kẻ lừa đảo lấy hết tiền trong tài khoản. Chị muốn chia sẻ để mọi người biết và cảnh giác, tránh bị mất tiền oan. 

“Tối hôm 7/1, tôi nhận được 1 cuộc gọi điện thoại từ số 028 99991xxx, một bạn nữ tự xưng là nhân viên Mobifone gọi tới, bạn bảo giúp tôi chuyển sim từ 3G lên 4G, bạn đọc số CMND và ngày tháng năm sinh của tôi và bảo sẽ giúp chuyển trên hệ thống. Bạn bảo tôi đọc mã OTP cho bạn, tôi nói không đọc đâu vì sợ lừa đảo, bạn kêu chị nhận được tin nhắn từ Mymobifone thì sao lừa được, với OTP này không liên quan gì tới ngân hàng, chỉ là nâng cấp sim điện thoại.

Cảnh giác chiêu trò giả mạo nhà mạng lừa nâng cấp SIM 4G ảnh 1

Cảnh giác chiêu trò giả mạo nhà mạng lừa nâng cấp SIM 4G

Tôi nghĩ họ đọc vanh vách thông tin mình, tin nhắn thì từ Mymobifone, nên chắc không lừa. Mà nếu lừa thì chắc cùng lắm mất hết tiền trong card điện thoại, rủi ro thấp, nên tôi vẫn đọc mã OTP cho bên kia.

Sau khi đọc xong mã OTP, điện thoại tôi hoàn toàn không sử dụng được, tôi tưởng bị mất hết tiền điện thoại nên không gọi được, nên lại nạp thêm 50.000 đồng vào điện thoại trước để gọi cho Mobifone xem thế nào. Tuy nhiên, nạp rồi vẫn không gọi được, và lúc đó tôi mới phát hiện ra là bọn lừa đảo đã cướp số điện thoại của tôi, chuyển thành esim, và toàn quyền sử dụng điện thoại. Lúc đó tôi nghĩ bọn lừa đảo sẽ dùng điện thoại tôi để mạo danh và lừa người thân bạn bè để mượn tiền. Vì vậy, tôi lấy điện thoại chồng tôi gọi cho Mobifone để khoá số điện thoại, khoá chiều đi và đến, cả tin nhắn và cuộc gọi. Sau đó tôi mới ra cửa hàng Mobifone để lấy lại số điện thoại của mình.

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như tôi nghĩ. Bọn lừa đảo này thật sự rất tinh vi. Trong vòng 10 phút, từ khi chúng cướp số điện thoại của tôi, sự thực là chúng làm những việc sau:

- Thay đổi mật khẩu email cá nhân của tôi, vì chúng bấm quên mật khẩu và được kích hoạt mật khẩu mới qua điện thoại.

- Vì có quyền kiểm soát cả email và điện thoại, chúng tiếp tục log in vào tài khoản ngân hàng điện tử của tôi, bấm quên password và đổi password mới thông qua email, điện thoại, và thông tin cá nhân mình gồm số CMND và ngày tháng năm sinh.

- Sau đó chúng chuyển hết tiền trong tài khoản tôi cho 3 tài khoản ở các ngân hàng BIDV và MB. Rất may là chúng chưa sử dụng thẻ tín dụng của tôi online, vì thực ra thông qua ngân hàng điện tử chúng vẫn có thể làm được.

Còn tôi thì ngu ngơ sau 30 phút lấy được số điện thoại rồi (đã rất nhanh vì phải ra quầy), tôi mới gọi cho ngân hàng để kiểm tra, và phát hiện mất hết toàn bộ tiền trong tài khoản.

Tối đó tôi đã ra trình báo cơ quan công an ngay, nhưng sáng hôm sau mới được nộp đơn tố cáo lừa đảo vì còn phải ra ngân hàng làm sao kê và chứng minh tài khoản. Công an và ngân hàng hỗ trợ phong toả 3 tài khoản kia, nhưng đương nhiên 3 tài khoản kia còn 0 đồng. Hơn nữa, công an cũng cho biết 99% khả năng CMND của 3 tài khoản kia là người vô tội, vì tài khoản được mở online, chỉ cần gửi CMND 2 mặt và 1 số điện thoại kết nối là đã mở được tài khoản ngân hàng, nên bọn tội phạm này đã dùng CMND của ai đó mở tài khoản, nhưng thực chất chúng nắm quyền kiểm soát, người chủ kia thậm chí có lẽ cũng không biết mình có mở tài khoản ở MB và BIDV.

Tóm lại, khả năng lấy lại được tiền của tôi là 0%. Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ để mọi người biết thủ đoạn của bọn lừa đảo này và cảnh giác, tránh bị mất tiền oan như tôi".

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã nhiều lần phát cảnh báo nhiều trường hợp người tiêu dùng bị người lạ mạo danh là nhân viên của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone gọi điện, nhắn tin hướng dẫn cú pháp để thực hiện nâng cấp SIM 3G thành 4G nhằm lừa đảo.

Khi người tiêu dùng thực hiện các yêu cầu, người lừa đảo có thể chiếm đoạt quyền kiểm soát SIM điện thoại, đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và thanh toán hàng chục triệu đồng cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng của người tiêu dùng hoặc chiếm hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, chiêu thức lừa đảo này hiện đang xảy ra tràn lan ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại TP.HCM, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận đã có nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng từ chiêu thức lừa đảo nêu trên.

Để bảo vệ chính mình, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khuyến nghị người tiêu dùng cần phải kiểm tra thông tin, không truy cập các đường dẫn lạ khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai.

Song song đó, cần tăng cường bảo mật cho SIM điện thoại nếu thường xuyên sử dụng cho các hoạt động xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử… nhằm giảm thiểu rủi ro bị rút tiền từ các tài khoản ngân hàng, tín dụng, ví điện tử… trong trường hợp SIM, quyền kiểm soát sim hoặc điện thoại bị mất. Đồng thời, sử dụng các ứng dụng xác thực, khóa thẻ SIM ngay khi phát hiện SIM điện thoại bị vô hiệu hóa, bị chiếm đoạt tiền qua các giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng.