Cánh đồng Chum huyền thoại

ANTĐ - Thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, thị xã Phôn Sa Vẳn quanh năm nườm nượp khách du lịch nước ngoài. Tất cả họ đều đi chung một con đường tới Cánh đồng Chum.

Thật ra quanh tỉnh lị Phôn Sa Vẳn - Xiêng Khoảng còn có nhiều địa danh du lịch hấp dẫn như suối nước nóng Bò Nọi (suối nhỏ) và Bò Nhày (suối lớn)... nhưng hễ ai tới đây là phải tới Cánh đồng Chum. Kể cũng phải, hàng nghìn chiếc chum lớn nhỏ lộ thiên rải rác trên các cánh đồng với nhiều huyền thoại. Hiện Cánh đồng Chum có tất thảy 1.969 chiếc chum. Lớn bé khác nhau, chum nằm rải rác ở 52 điểm quanh tỉnh Xiêng Khoảng. Chiếc chum lớn nhất được tìm thấy cao 3m, chum nặng nhất lên tới 14 tấn, còn đa phần chum là đá cao chừng 1-2m. Thoạt nhìn, Cánh đồng Chum như một bàn cờ, những chiếc chum được đặt có tính toán.

Điều ngạc nhiên đầu tiên là tất cả chum đều làm bằng đá tự nhiên. Xung quanh nguồn gốc của những chiếc chum lại có nhiều giả thiết hấp dẫn. Truyền thuyết kể rằng, Khún Chương - một thủ lĩnh bộ tộc xưa sau những cuộc chinh phạt thắng lợi làm ra những chiếc chum để đựng rượu khao quân. Người dân nơi đây tin rằng, những chiếc chum là những chiếc cốc uống rượu của các vị thần thánh. Năm 1989, Thông Xã - cán bộ Bộ Văn hoá - Thông tin Lào cùng nhà nghiên cứu người Pháp Colani tiến hành khai quật, khảo cổ và đã tìm thấy nhiều bộ hài cốt, đồ trang sức... của người cổ cách đây khoảng 400 - 600 năm nằm gần những chiếc chum. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết, những chiếc chum là để đựng hài cốt của người xưa. Nếu vậy, Cánh đồng Chum là cả một nghĩa địa khổng lồ. Chính vẻ đẹp khác lạ và những câu chuyện về nguồn gốc những chiếc chum chưa có hồi kết lại càng khiến Cánh đồng Chum thêm lôi cuốn du khách khắp mọi miền trên thế giới về đây tìm hiểu, khám phá. 

Xiêng Khoảng xưa cũng là một trong những chiến trường khốc liệt và Cánh đồng Chum một thời trở thành chiến trường thí điểm học thuyết “Lào hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Trên mảnh đất này, nhiều quân tình nguyện Việt Nam đã nằm xuống mãi mãi. Nhìn Cánh đồng Chum yên bình, bây giờ ít ai ngờ những năm chiến tranh, mảnh đất này đã hứng hơn 3 triệu tấn bom đạn các loại. 

Ước tính của ngành du lịch Lào, mỗi năm nơi đây đón cả triệu du khách, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện xả rác bừa bãi. Ngạc nhiên hơn cả là tổ quản lý Cánh đồng Chum rộng mênh mông nơi chúng tôi đến chỉ vẻn vẹn 4 người. Đa phần họ là những người cựu chiến binh tuổi đã cao, mỗi tháng chỉ được nhận 600.000 kíp (khoảng 1,2 triệu đồng Việt Nam). Họ thay phiên nhau trực bán vé, thu dọn vệ sinh, quản lý khu di tích... Ông Xổm Nhút - người bán vé trên Cánh đồng Chum bật mí: “Bí quyết của chúng tôi là luôn tôn trọng du khách và trước hết là tôn trọng, giữ gìn di sản văn hoá”.