Cảnh báo tình trạng 'vỡ họ' với những hậu quả đau lòng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Một cặp vợ chồng già ngoại lục tuần vừa ôm nhau tự tử vào sáng nay 22-11, nghi vấn do liên quan đến vụ vỡ “họ” xảy ra trên địa bàn xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng gần đây.

Chuyện buồn vùng quê nghèo

Chơi “họ” là hình thức huy động vốn "truyền thống" có từ rất lâu đời, với lợi thế huy động vốn nhanh và có lãi suất khá hấp dẫn nên thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, nhiều người chơi “họ” chưa tìm hiểu kỹ cách thức thực hiện nên có trường hợp tham gia một cách hời hợt, chỉ dựa vào lời nói, lòng tin đối với chủ họ, không tìm hiểu các dây họ, thành viên tham gia, thậm chí không trực tiếp đến khui họ, việc gom và thanh toán tiền “họ” đều do chủ họ thực hiện.

Những việc này vô tình tạo sơ hở cho các chủ họ thực hiện hành vi gian dối. Một số đối tượng lợi dụng việc chơi họ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy từ nhiều năm trước vỡ “họ” xảy ra ở nhiều nơi, và đến thời điểm hiện tại tình trạng này lại tái diễn, khiến nhiều gia đình lâm cảnh khốn cùng. Trên thực tế có rất nhiều người rơi vào cảnh phá sản, trốn nợ, hạnh phúc gia đình tan nát, điêu đứng trước những món nợ khổng lồ do vỡ đường dây hụi, “giật hụi” gây ra lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có người vì quá cùng cực, uất ức, túng quẫn đã tự tử. Điển hình như vụ việc vừa xảy ra sáng nay tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy.

Lực lượng công an và người dân có mặt tại nhà vợ chồng ông Phạm Đức L, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

Lực lượng công an và người dân có mặt tại nhà vợ chồng ông Phạm Đức L, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

Thời điểm trên, người dân xã Ngũ Phúc phát hiện ông Phạm Đức L (62 tuổi) và vợ là bà Dương Thị T (61 tuổi), cùng trú tại thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc tử vong trong nhà riêng.

Người nhà của các nạn nhân cho biết, ông L. là bảo vệ tại một trường học ở xã Ngũ Phúc, còn bà T. làm thợ may ở nhà, rất có thể vợ chồng ông L đã vướng vào dây “họ” của người phụ nữ tên Nguyễn Thị T (SN 1972) trú thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc vừa bị vỡ tháng 9-2022.

Lãnh đạo xã Ngũ Phúc cho biết, đến thời điểm này đã tiếp nhận hơn 100 đơn trình báo của người dân với số tiền mà bà T “ôm đi” ước tính gần 100 tỷ đồng.

Theo chính quyền cơ sở, ngày 8-9 tại nhà bà Nguyễn Thị T có đông người dân tập trung đến đòi tiền nợ, có biểu hiện gây mất ATTT. Nhanh chóng xác minh xác định, bà Nguyễn Thị T. là người “chơi họ” lâu năm. Thời gian gần đây, bà T. đã nhận tiền “đóng họ” của nhiều người, chủ yếu là người dân xã Ngũ Phúc và người dân một số địa phương lân cận. Sáng 8-9, người dân phát hiện bà T. đã rời khỏi nhà, không rõ đi đâu, mọi thông tin liên lạc với bà T. đều không có kết quả. Cho rằng bà T. đã trốn nợ, trong nhiều ngày liên tiếp đã có hàng trăm người dân kéo đến tập trung vây nhà bà T.

Người dân vây nhà bà Nguyễn Thị T để đòi nợ khi nghe tin bà này biến mất, ôm mớ "họ" gần trăm tỷ đồng

Người dân vây nhà bà Nguyễn Thị T để đòi nợ khi nghe tin bà này biến mất, ôm mớ "họ" gần trăm tỷ đồng

Chơi “họ” - nguy cơ biến tướng sang lừa đảo

Hiện nay, chơi “họ” không còn là một hình thức góp vốn để các thành viên san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mà đã biến tướng nguy hiểm như một hình thức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với tín dụng đen, cho vay lãi nặng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn đối tượng thực hiện là ban đầu thu hút người chơi bằng cách trả lãi cao và thanh toán sòng phẳng nhằm tạo uy tín; khi đã gom được số tiền lớn thì tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả cho người chơi hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt.

Thủ đoạn khác các đối tượng thực hiện là lập ra đồng thời nhiều dây họ, tự dựng lên danh sách người chơi là những người có uy tín, có địa vị xã hội, có nhiều tài sản nhằm tạo lòng tin để người dân tham gia góp tiền.

Khi đến lượt người dân được lấy tiền “họ” thì chủ “họ” lại thuyết phục bán lại quyền lấy “họ” với giá cao. Nhiều người thấy lợi ích trước mắt đã đồng ý, thậm chí vận động thêm những người khác cùng tham gia để hưởng chênh lệch. Thực tế, số tiền “lấy họ” mua lại từ người chơi chủ họ đã chi tiêu cá nhân, cho vay nặng lãi hoặc tẩu tán bằng cách mua tài sản đứng tên người khác…

Người dân cần cảnh giác, lựa chọn chơi "họ" với những người thân tín để đảm bảo nguồn tiền của chính mình

Người dân cần cảnh giác, lựa chọn chơi "họ" với những người thân tín để đảm bảo nguồn tiền của chính mình

Tại sao hàng loạt những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chơi “họ” khiến hàng trăm người “mất trắng” số tiền lớn đã xảy ra vẫn không thể tạo thành hồi chuông cảnh giác? Không những thế, việc chơi “họ” một cách chủ quan vẫn diễn ra và hậu quả. Liệu có phải do những người chơi “họ” không biết nguy cơ, rủi ro khi tham gia vào hoạt động này hay vì chữ “tín” và lãi suất quá lớn của việc chơi họ đã khiến họ mờ mắt.

Nhiều người chơi họ thừa nhận, biết là rủi ro song “họ” vẫn là một kênh vốn hấp dẫn đối với rất nhiều người, nhất là những người thu nhập thấp - đối tượng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi “họ” luôn mang lại cho người dân một nguồn tiền đáng kể với thủ tục tối giản.

Chính vì thế, chơi “họ” tồn tại như một thực tế khách quan trong cuộc sống bất chấp những quy định và chế tài xử lý cũng như sự cảnh báo, răn đe của pháp luật. Để hạn chế những hậu quả đau lòng của tình trạng chơi “họ” thiếu minh bạch, người dân cần có sự tỉnh táo khi tham gia vào bất cứ dây “họ” nào, không nên mờ mắt trước các chiêu trò của chủ “họ” khi đến kỳ lấy họ…