Căng thẳng biên giới Nga-Ukraine: Bóng ma ‘Khủng hoảng Tên lửa Cuba 1962’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng biên giới Nga-Ukraine đang ngày càng leo thang, có thể dẫn tới một cuộc tương tự như ‘Khủng hoảng Tên lửa Cuba 1962’, còn gọi là “Khủng hoảng Caribe 1962”.

Nga hy vọng “Khủng hoảng Caribe” sẽ không xảy ra

Các nước phương Tây ngày càng thường xuyên đe dọa áp dụng các hạn chế mới chống Moscow, kể cả việc ngắt kết nối với hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu - Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication), với cáo buộc là Nga đang tập trung quân để "xâm lược Ukraine".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 11/12 tuyên bố rằng, nếu các nước NATO tiếp tục đưa cơ sở hạ tầng quân sự của họ đến gần biên giới phía Tây của Nga với cái cớ vô căn cứ là bảo vệ Ukraine khỏi bị “Nga xâm lược”, cuộc “Khủng hoảng Caribe 1962” có thể tái diễn.

“Sẽ có thể dẫn đến chuyện đó. Hoàn toàn có thể. Như người ta thường nói, nếu Mỹ và NATO không hiểu chuyện và mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra như hiện tại, theo logic các sự kiện, chúng ta có thể đột nhiên thức dậy và thấy chính mình trong hoàn cảnh tương tự như cuộc khủng hoảng Caribe” - Thứ trưởng Sergei Ryabkov nói.

Ông Ryabkov nhấn mạnh rằng, nếu để xảy ra tình huống căng thẳng này, đó sẽ là thất bại ngoại giao đáng tiếc, nhưng vẫn còn thời gian để hai bên cố gắng đạt được thỏa thuận trên cơ sở lý trí tỉnh táo.

Căng thẳng Nga-Ukraine có thể dẫn đến ‘Khủng hoảng Caribe 1962’ mới ở ngay tại châu Âu
Căng thẳng Nga-Ukraine có thể dẫn đến ‘Khủng hoảng Caribe 1962’ mới ở ngay tại châu Âu

Theo ông Sergei Ryabkov, Nga đã đề xuất với Mỹ và NATO “phương án hợp lý thay thế cho những gì đang xảy ra”.

“Các bảo đảm pháp lý có thể được chính thức hóa theo nhiều cách khác nhau, nhưng đây chính xác là phải có các bảo đảm thuộc loại ký kết hiệp định, đây không phải là lời hứa, không phải là lời nói suông, vì chúng ta nhiều lần đã phải trải qua tất cả những điều này” - ông Ryabkov lưu ý.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ có những bước đi cụ thể để duy trì an ninh toàn cầu, nhưng điều này khó có thể đạt được trong trước mắt, bởi hiện nay các nhà chức trách Mỹ đang chăm chăm đe dọa trừng phạt đối với Liên bang Nga.

Ông khẳng định rằng, đây không phải là ngôn ngữ mà Nga chấp nhận, Moscow sẽ có những hành động đáp trả tương xứng. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga hy vọng “Khủng hoảng Caribe” sẽ không bao giờ xảy ra.

Nga có thể triển khai tên lửa ở Kaliningrad

Không chỉ Nga mà tờ báo hàng đầu của Đức Die Welt hồi tháng 3-2021 cũng có bài viết nhấn mạnh về sự lo ngại về một cuộc đối đầu mới giữa phương Tây và Nga, mà cấp độ khủng hoảng của nó không kém gì so với “Khủng hoảng tên lửa Cuba 1962”, nhưng giờ đây là ở biên giới phía Đông của châu Âu.

Như tờ báo Đức viết, tình hình bây giờ tương tự như đầu những năm 1950 và 1960, khi sự đối đầu giữa Liên Xô và các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ lên đến cực điểm. Nhưng hiện nay, Nga còn nghiêm túc hơn Liên Xô trong vấn đề đối phó với việc mở rộng NATO.

Thêm vào đó, mỗi năm NATO tiến hành tới hơn 40 sự kiện huấn luyện tác chiến “có định hướng rõ ràng chống Nga”, mà quy mô thì năm sau lại lớn hơn năm trước.

Die Welt cảnh báo, trong trường hợp xấu nhất, tình hình xung quanh Ukraine trầm trọng thêm sẽ dẫn đến một cuộc “Khủng hoảng Tên lửa Cuba” (Cuban Missile Crisis) mới, một cuộc đối đầu hạt nhân giữa các siêu cường, không chỉ ở vùng Caribe xa xôi, mà ở biên giới phía Đông của EU.

Tờ báo này cảnh báo, Nga có đủ phương tiện để buộc Mỹ và NATO phải câm nín nên tốt nhất là điều này không nên xảy ra, bởi nếu bóng ma “Khủng hoảng Tên lửa Cuba 1962” tái hiện, cả thế giới sẽ một lần nữa đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt nhân loại.

Giới phân tích cho rằng, nếu kịch bản này thực sự xảy ra, Nga sẽ triển khai tên lửa hạt nhân ở vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga là Kaliningrad ở bên bờ biển Baltic, nằm giữa các nước NATO là Ba Lan, Litva, Đức… Nếu điều này xảy ra, không chỉ châu Âu mà cả thế giới sẽ đứng trước bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc.