Cần sớm trình Luật Đất đai sửa đổi

ANTĐ - Hôm qua, 5-6, Quốc hội đã nghe và thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị sớm sửa Luật Đất đai để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Nới rộng hạn điền và thời hạn giao đất sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Ngân hàng “chê” nông dân

Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2006 - 2011, tổng vốn đầu tư công cho tam nông từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỷ đồng. Tuy vậy, nguồn lực đầu tư công cho tam nông còn thiếu so với nhu cầu. Vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn rất thấp và có xu hướng giảm dần, từ tỉ lệ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 xuống còn 1% năm 2010. 

Điều đáng nói là vốn đã thiếu nhưng đầu tư lại có tình trạng dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn không cao. Chẳng hạn, dự án hồ chứa nước sông Móng (Bình Thuận) có tổng mức đầu tư hơn 207 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm 2010 - 2011, công trình không được tiếp tục bố trí vốn nên nhà thầu phải tạm dừng, công trình thi công dở dang. Hiện nay, hồ đã tích trên 34 triệu m3 nước nhưng chưa được sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 220 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quản lý đầu tư, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng...

Đồng tình với đánh giá trên, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, vốn đầu tư cho tam nông chỉ được khoảng 55 - 60% yêu cầu, song đầu tư lại dàn trải, có nơi xảy ra sai phạm, gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước. ĐB Thu Anh cũng phản ánh việc nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại hết sức khó khăn do không đáp ứng được yêu cầu về tài sản thế chấp, thủ tục phức tạp, rườm rà. ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) chê trách “ngân hàng không muốn cho nông dân vay vốn” và “khi gặp rủi ro rất lâu nông dân mới nhận được sự hỗ trợ”. Ông nêu ví dụ: “Khi có thông tin chăn nuôi lợn sử dụng chất tạo nạc, người tiêu dùng quay lưng, giá lợn hơi rớt từ 70.000 đồng/kg xuống chưa đầy 40.000 đồng/kg vẫn khó tiêu thụ, thiệt hại cho ngành chăn nuôi hơn 10.000 tỷ đồng. Đến nay, chưa có biện pháp nào để giúp cho người nông dân vượt qua khó khăn này...”.

Nới hạn điền, thời gian giao đất

ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc khống chế hạn điền và giao đất nông nghiệp có thời hạn theo Luật Đất đai đã ảnh hưởng đến quy mô đầu tư, cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm cho nông nghiệp. Bà đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tăng hạn mức giao đất nông nghiệp và giao đất lâu dài cho nông dân, tạo điều kiện phát triển, sản xuất hàng hóa có giá trị cao.

ĐB Nguyễn Thu Anh đồng ý: “Khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”. ĐB Thu Anh kiến nghị Chính phủ cần trình sớm Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Đồng thời, ĐB này nhấn mạnh: “Cần bồi hoàn hợp lý, công bằng cho người dân khi thu hồi đất và Nhà nước phải thu hồi một phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất để phát triển cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Việc này chúng ta làm chưa tốt nên gây bức xúc cho nông dân...”. ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cũng đề nghị xây dựng mối quan hệ hài hòa trong việc bồi thường GPMB và “phải đặt lợi ích của người dân lên trước”.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) góp ý cụ thể: “Đất nông nghiệp cũng nên như đất rừng, giao khoảng 50 năm, sẽ đáp ứng được yêu cầu để nông dân yên tâm đầu tư, sản xuất. Hiện nay nông dân đang chờ quyết định của Chính phủ...”.

Cũng có quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai. Cụ thể, sẽ xem xét sửa đổi theo hướng tăng thời hạn giao đất nông nghiệp, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ trách nhiệm hơn về bảo vệ đất trồng lúa, thu hồi đất nông nghiệp, việc bồi thường, hỗ trợ và chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi.