Cần phân biệt rõ loại pháo được sử dụng trong dịp Tết để tránh bị phạt tiền, phạt tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, CATP Thanh Hóa đã bắt quả tang 2 đối tượng tàng trữ trái phép pháo nổ. Điều được nhiều người quan tâm là Tết Nguyên đán sắp đến, người dân được sử dụng những loại pháo nào? Hành vi sử dụng pháo trái phép bị xử lý ra sao?

Hai thanh niên "10X" lên mạng xã hội mua pháo nổ về chơi Tết vừa bị CATP Thanh Hoá bắt giữ là Lê Văn Hùng Anh (SN 2003) và Vũ Trường Giang (SN 2004) ở xã Ngọc Lĩnh, thị xã Nghi Sơn.

Lực lượng Công an đã thu giữ 9 hộp pháo nổ, trong đó có 3 hộp pháo loại 49 quả và 6 hộp pháo loại 36 quả với tổng trọng lượng hơn 13kg.

Theo thông tin ban đầu, qua mạng xã hội facebook, 2 đối tượng trên đã liên lạc một người không quen biết để tìm mua số pháo nổ về sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán với số tiền gần 3 triệu đồng.

Hai đối tượng tàng trữ trái phép pháo nổ vừa bị bắt quả tangHai đối tượng tàng trữ trái phép pháo nổ vừa bị bắt quả tang

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, người dân được phép sử dụng pháo hoa.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.

Để phân biệt pháo nổ với pháo hoa, Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, theo quy định trên những tổ chức cá nhân cố tình sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo nổ sẽ bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với cá nhân sử dụng các loại pháo mà không được phép.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân có hành vi vi phạm về sử dụng pháo có thể bị xử lý hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS 2015 với hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù hoặc tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 với hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với mức hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.