Cần phải dừng chuyện “chạy”

ANTĐ - Báo cáo tổng hợp giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện và công bố, đưa ra con số cảnh báo về nợ đọng xây dựng cơ bản. Năm 2010 chỉ có 57,49% số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được quyết toán. Năm 2011 khá hơn rất nhiều với 82,19% dự án hoàn tất đầu tư được quyết toán. Song, tỷ lệ còn lại 17,81% tương đương 2.700 dự án chưa quyết toán, tức là nhà thầu và đơn vị thi công vẫn chưa nhận được tiền.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện các giải pháp nhằm xử lý, khắc phục những tác động bất lợi do nợ đọng trong xây dựng cơ bản gây ra. Chính phủ đặt ra thời hạn cuối cùng xử lý dứt điểm nợ đọng là cuối năm 2015.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dẫn báo cáo thẩm tra của các ủy ban thuộc Quốc hội cho biết, nợ đọng xây dựng cơ bản của 63 tỉnh, thành phố đã lên tới 91.000 tỷ đồng. Chỉ thị của Thủ tướng cũng vạch rõ những tác hại như công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán; nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau. Không ít doanh nghiệp giải thể, phá sản làm cho gánh nợ xấu của ngân hàng càng nặng hơn. Tạm gác sang một bên gánh nợ đọng xây dựng cơ bản, một ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã “mổ xẻ” căn nguyên sâu xa của thực trạng này. Tình trạng các bộ, ngành và địa phương “vẽ” ra quá nhiều dự án, trong khi nguồn vốn quá eo hẹp, vì thế nơi nào, ngành nào “chạy” thủ tục sớm thì được chấp nhận và giải ngân sớm. Nơi nào chậm chân thì… uống nước đục.

Với cách thi nhau “chạy” như vậy đã phá vỡ tính đồng bộ của đầu tư, vốn rải ra khắp nơi. Ngân sách phải trả lãi mà dự án cứ dậm chân tại chỗ. Đầu tư công trong hàng chục năm qua thực sự là sản phẩm của cơ chế xin - cho. Vị ủy viên Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, tiến tới một nền hành chính trong sạch và ngày càng ít nhũng nhiễu thì những chuyện “chạy” cũng theo đó phải dần xóa bỏ.

Việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công chỉ thực sự thành công khi xây dựng được điểm dừng cho tình trạng “chạy” dự án. Bản thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, “có hay không có chuyện chạy dự án, bảo không có thì cũng không tin, nhưng bắt được tận tay thì khó”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không phải là “bắt được tận tay” hay không mà phải làm sao thiết lập được chế tài để ngăn chặn chuyện “chạy”.

Đặc biệt, đối với dự án do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì có chuyện “chạy” hay không. Mặc dù Bộ này đã tỏ ra sốt sắng đề ra các giải pháp ngăn ngừa cũng như dựng rào cản hạn chế việc xin - cho. Song, dự án chỉ ngừng “chạy” khi cùng với việc ngăn chặn, phải thực hiện cơ chế, trách nhiệm rõ ràng. Nếu đầu tư kém hiệu quả, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, sẽ xử lý ra sao? Vị ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất, việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin về đầu tư công không thể không làm nếu muốn hạn chế tình trạng “chạy” dự án; đồng thời tăng cường thẩm quyền và năng lực giám sát đầu tư công, khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của cộng đồng.

Đã đến lúc cần phải dừng chuyện “chạy”. Không phải vì lĩnh vực này còn “chạy”, lĩnh vực kia còn “chạy” thì các lĩnh vực khác cũng phải “chạy” theo. Nếu cứ vậy thì đến bao giờ mới dừng và ngăn chặn được chuyện “chạy”.