Cận ngày đăng ký thi, thí sinh vẫn lúng túng chọn nghề

ANTD.VN - Chỉ còn 1 tháng nữa, hàng triệu thí sinh trên cả nước sẽ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Tuy nhiên, đến nay, nhiều thí sinh vẫn lúng túng chưa chọn được môn thi phù hợp. 

Ngày 26-2, hàng nghìn thí sinh ở Hà Nội đã có mặt trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT, Báo Tuổi trẻ TP.HCM tổ chức. Một trong những thông tin được nhiều thí sinh quan tâm nhất là tư vấn, gỡ rối về chọn ngành, chọn nghề. Đặc biệt, việc không giới hạn nguyện vọng vào các trường đại học càng khiến thí sinh thêm băn khoăn trong việc chọn trường.

Cận ngày đăng ký thi, thí sinh vẫn lúng túng chọn nghề ảnh 1Thí sinh cần thông tin định hướng nghề từ nhà trường và các chuyên gia

Đừng cố để đỗ bất cứ trường đại học nào

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ, năm nay là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng vào các trường và ngành. Thí sinh sẽ làm thủ tục đăng ký xét tuyển trước khi thi nhưng được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi để tránh rủi ro, tăng cơ hội trúng tuyển.

Chủ trương này nhằm tạo điều kiện cho thí sinh được chọn ngành học phù hợp với sở trường hơn là đỗ đại học. “Có như vậy, khi vào học, các em mới có niềm đam mê để học tập, phát huy năng lực sở trường của mình. Thí sinh không nên cố tận dụng tối đa nguyện vọng mà cần tìm hiểu kỹ, có đầy đủ thông tin và tập trung lựa chọn một hướng đi mà mình thấy chắc chắn nhất”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cần chọn danh sách đăng ký ngành/trường theo thứ tự ưu tiên phù hợp nhất ngay từ đầu mà không cần phải điều chỉnh sau khi có kết quả thi. Để làm được điều này, thí sinh cần nắm vững nguyên tắc cơ bản xét tuyển năm nay: Đối với các trường, thí sinh được xét bình đẳng dựa trên kết quả thi, không phân biệt số thứ tự nguyện vọng; còn đối với thí sinh, trong đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Bước đầu tiên, các em cần xác định được ngành/trường mà mình yêu thích và tìm hiểu điểm chuẩn của những năm trước vào các ngành/trường này. Tiếp theo, các em dự kiến kết quả thi mình sẽ đạt được.

Trên cơ sở đó, các em chọn một số ngành có điểm chuẩn cao hơn kết quả thi dự kiến và vài ba ngành có điểm chuẩn thấp hơn kết quả thi dự kiến để xác lập danh sách các nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Sau khi có kết quả thi, nếu kết quả không lệch nhiều so với dự kiến thì các em không cần phải điều chỉnh nguyện vọng và yên tâm chờ đợi kết quả xét tuyển mà các trường sẽ công bố trước ngày 1-8”.

Tham khảo thông tin việc làm để chọn trường phù hợp

Vấn đề quan tâm với thí sinh dự thi năm nay là làm thế nào để xác định được ngành nghề phù hợp, có nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh để cung cấp thông tin cho thí sinh. Một trong các nội dung của đề án này là thông tin tỷ lệ việc làm của hai năm trước cho đến giờ là bao nhiêu. Đó sẽ là thông tin tham khảo hữu ích, để các em lựa chọn được trường phù hợp, sau này ra trường có cơ hội làm việc cao”.

TS. Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý đồng tình với việc nhiều tổ hợp sẽ tăng cơ hội xét tuyển. Nhưng nếu thí sinh chọn dàn trải sẽ không phân bố được thời gian ôn tập. Vì thế, thí sinh nên tập trung vào những khối truyền thống là an toàn nhất.

Bên cạnh đó, TS. Phạm Mạnh Hà khẳng định, không có ngành nghề nào không cần đến kiến thức, kỹ năng mà lại có lương cao. “Ngành nghề nào người lao động cũng phải có kiến thức sâu và giỏi thì sẽ nhận được công việc tốt, mức lương cao. Bởi vậy hãy chọn ngành mình đam mê, phù hợp với tố chất”, TS. Phạm Mạnh Hà cho biết thêm.