Cần lưu ý 5 triệu chứng bệnh ở trẻ

ANTĐ - Chảy nước mũi, sốt cao, đau bụng, phát ban ngứa... là một số triệu chứng điển hình hay gặp ở trẻ khiến các bậc cha mẹ lo lắng bởi không biết có phải đưa con đến phòng cấp cứu, gọi bác sĩ hay chỉ đơn giản là chờ đợi bệnh tự khỏi. Để tránh tình huống nghiêm trọng hóa vấn đề, bạn cũng nên biết triệu chứng đáng ngờ nào cần tư vấn bác sỹ.

Sốt cao ở trẻ dưới 2 tuổi 

Nếu con bạn đỏ ửng vì nóng sốt, bản năng của cha mẹ là tìm bác sĩ càng nhanh càng tốt, nhưng điều này có thể không phải luôn cần thiết. Sốt là biểu hiện cơ thể tự bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Nếu một đứa trẻ bị sốt, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bé đang hoạt động tích cực và việc hạ sốt cũng không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ra cơn sốt. Các bác sỹ chuyên khoa nhi đưa ra lời khuyên rằng, nếu trẻ sốt chưa đến 38,5 độ C và trông khỏe, vẫn ăn uống đều thì không cần đến bác sỹ. Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu sốt tới 40 độ C cần phải thăm khám, đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi bị sốt cao trong vòng 48 tiếng cần kiểm tra y tế.

Nhức đầu

Làm thế nào có thể phân biệt được đâu là cơn nhức đầu nghiêm trọng cần đi cấp cứu, hoặc đó là cơn đau đầu thoảng qua, chỉ cần để trẻ nghỉ ngơi và ngủ một giấc là đỡ? Câu trả lời rằng, nếu con bạn bị đau nhức đầu kéo dài vài giờ hoặc bị đau dữ dội khiến trẻ không thể ăn, chơi hoặc thậm chí không thưởng thức chương trình truyền hình yêu thích, hãy tìm bác sĩ nhi khoa. Thông thường, nhức đầu do cơ ở phần da đầu bị căng chứ không phải là một vấn đề liên quan đến não, nhưng đau đầu với các triệu chứng thần kinh (chẳng hạn như sự nhầm lẫn, mắt mờ và khó khăn khi đi lại) cần được đánh giá bởi một bác sĩ phòng cấp cứu. Đặc biệt, nhức đầu kết hợp với sốt, lú lẫn, nôn mửa, cứng cổ cũng cần được coi là một ca cấp cứu bởi trẻ có thể gặp cơn nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc bệnh tật, chẳng hạn như viêm màng não. Ngoài ra, nếu trẻ bị đau đầu thường xuyên cũng nên xem xét vì trẻ con thường rất ít khi bị đau đầu. 

Phát ban

Có một kinh nghiệm về phát ban trên da ở trẻ là: Nếu bạn chạm vào phát ban đỏ, nó nhợt đi hoặc chuyển sang màu trắng, sau đó bỏ tay ra, nó lại chuyển về màu đỏ thì không cần phải lo lắng. Hầu hết các phát ban do virus hay dị ứng sẽ giống như vậy. Ngược lại, nếu các đốm phát ban nhỏ màu đỏ hoặc màu tím trên da không thay đổi màu sắc khi bạn ấn vào chúng, hãy nghĩ đến trường hợp y tế khẩn cấp như bệnh viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, đặc biệt khi kèm theo sốt. Ngoài ra, nếu trẻ bị phát ban vùng rộng cộng với sưng mặt hoặc sưng môi, cũng phải đi khám bệnh, nhất là khi trẻ cảm thấy khó thở bởi đó có thể là cơn dị ứng đe dọa tính mạng nghiêm trọng.

Rối loạn tiêu hóa

Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm hoặc viêm dạ dày, ruột, cần theo dõi tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy ở trẻ. Ói mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước. Ói mửa 3 lần trong một buổi chiều có thể chưa bị mất nước, nhưng 8 cơn tiêu chảy liên tục cũng như vừa nôn mửa vừa tiêu chảy trong 8 tiếng sẽ dẫn đến mất nước cần điều trị khẩn cấp.

Theo các bác sỹ nhi khoa, trẻ càng bé, nguy cơ mất nước càng cao, vì thế mà chúng cần được khám để bổ sung chất lỏng hoặc dùng thuốc để ngăn chặn tình trạng nôn ói.

Đau cổ

Hiện tượng cứng cổ có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não nguy hiểm và khẩn cấp, nên cha mẹ cần bình tĩnh xử trí khi thấy con em mình đứng một cách cứng nhắc, không thể nhìn sang trái hoặc phải. Tuy nhiên, thông thường cứng cổ chỉ là phần cơ bị đau. Và bệnh viêm màng não còn có những dấu hiệu đi kèm đáng ngờ khác như trẻ đau đầu và nhạy cảm với ánh sáng. Điều nên nhớ khác, khi trẻ bị cứng cổ cùng với một cơn sốt có thể bé bị viêm amidan, không phải viêm màng não. Tất nhiên, nếu chấn thương gây tổn thương ở cổ của trẻ, đó đủ là lý do rõ ràng để đến phòng cấp cứu.