Cần cú hích phát triển du lịch làng nghề

ANTD.VN - Do thiếu các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực, trình độ… nên nhiều làng nghề năm này qua năm khác vẫn chưa thể bứt phát trở thành làng nghề du lịch. Ngay cả Hà Nội, nơi có đến 1.350 làng nghề thì số lượng làng nghề gắn sản xuất với dịch vụ du lịch mang tính chuyên biệt cũng rất hạn chế.

Đẩy mạnh phát triển làng nghề bằng cách kết hợp với các tour du lịch Ảnh: Đinh Văn Linh

Đường làng chưa có, sao làm du lịch?

“Du lịch làng nghề vừa qua phần lớn vẫn mang tính tự phát, như là những làn điệu với những cung bậc khác nhau, thiếu một nhạc trưởng tổng chỉ huy cho chương trình”, ông Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ví von. Theo ông Khải, có một điều đáng buồn là khách du lịch đến với làng nghề chỉ đến một lần, vì sản phẩm đơn điệu, môi trường ô nhiễm, dịch vụ thì thiếu bài bản.

Nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch làng nghề, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ không đảm bảo cho du lịch. “Ở nhiều làng nghề nổi tiếng như Phú Xuyên, Đa Sỹ, Phú Vinh, Sơn Đồng… ngay đường đi vào đã xuống cấp trầm trọng…” - ông Khải viện dẫn. 

Thêm nữa, hiện nay chính sách đầu tư khôi phục, phát triển nghề truyền thống của Nhà nước còn hạn chế. Có một thực tế là hiện tại, làng nghề gốm cổ chưa có hộ gia đình làm nghề, sản xuất mới chỉ tập trung vào các công ty lớn. 

Không xác định được thị trường cần gì nên nhiều làng dù có “ăn nên làm ra” nhờ buôn bán sản phẩm, nhưng động đến “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch thì không làm được. Theo họa sỹ Vũ Hy Thiều, chuyên gia thủ công mỹ nghệ thì một trong những điều khiến cho các sản phẩm thủ công làng nghề không đáp ứng được yêu cầu phục vụ du lịch là do nhiều nghệ nhân, dù tay nghề thành thạo nhưng vẫn chỉ giới hạn các sản phẩm quen thuộc, lệ thuộc vào truyền thống.

Sản phẩm còn nặng về phô diễn kỹ thuật, rườm rà, thiếu chú ý đến công năng. Một số nơi còn có hiện tượng sao chép, bắt chước sản phẩm của nước ngoài làm mất bản sắc làng nghề truyền thống. 

Chọn ra mô hình thí điểm 

Thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc trong việc phát triển du lịch làng nghề hiện nay, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, cái khó nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch đang  “ngoài tầm với” của cộng đồng các làng nghề.

Trong khi đó, đây là vấn đề mang tính chất quyết định cho phát triển du lịch làng nghề. Ông Hóa kiến nghị: “Thực chất những khu công nghiệp làng nghề đang được quản lý một cách lỏng lẻo, có nguy cơ phá vỡ không gian làng nghề xưa. Nên chăng cần có định hướng mở rộng làng nghề theo đúng bản chất của nó, đó là những làng nghề vệ tinh nhưng vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo truyền thống…”.

Mặt khác, cần đẩy mạnh việc đào tạo lực lượng hướng dẫn viên tại chỗ cho các làng nghề có hướng phát triển du lịch. 

Trao đổi về những biện pháp nhằm chia sẻ khó khăn cho các làng nghề trong việc chuyển dịch từ sản xuất sang phát triển du lịch, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã chủ trương thực hiện thí điểm mô hình dự án đầu tư, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc để làm cơ sở nhân rộng mô hình đối với các làng nghề truyền thống tiêu biểu khác có tiềm năng phát triển du lịch.

Trong đó, mô hình này tập trung đầu tư phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế với 7 khu chức năng chính là hệ thống bãi đỗ xe phục vụ du lịch, sản xuất và dịch vụ; khu ẩm thực phục vụ nhu cầu của du khách; khu thương mại giới thiệu và bán các sản phẩm nghề truyền thống; khu vực bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống… 

Cùng với đó, ông Đỗ Đình Hồng cho hay, Sở Du lịch sẽ mời chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu mẫu sản phẩm làng nghề để sản xuất theo nhu cầu thị hiếu của khách du lịch.

Trong đó, năm 2016, Sở đã phối hợp với nhóm chuyên gia Pháp triển khai thí điểm xây dựng logo, biển chỉ dẫn và sản phẩm du lịch tại một số điểm du lịch, đồng thời đã thiết kế logo và hoàn thiện phương án thiết kế từ 20-30 mẫu sản phẩm đặc trưng làm quà tặng lưu niệm cho 2 làng Bát Tràng và Vạn Phúc.

Với những sự đầu tư thích đáng cả về nhân lực, vật lực cho hai làng nghề này, hy vọng đây sẽ là động lực thúc đẩy các làng nghề có định hướng phát triển du lịch chuyển mình mạnh mẽ.