Cần có Tâm và Tầm

ANTĐ - Quyền xử lý cả những vấn đề nhạy cảm mà không cần bằng chứng được ví như thanh “Thượng phương bảo kiếm” mà VPF trao cho Ban tư vấn đạo đức trong nhiệm vụ diệt trừ tiêu cực. Dẫu vậy, hiệu quả hoạt động của Ban này vẫn bị đặt câu hỏi.

Không dễ để Ban tư vấn đạo đức đẩy lùi tiêu cực các giải đấu

Cuối cùng thì ý tưởng thành lập một Ban chuyên xử lý những vấn đề nhạy cảm do VPF khởi xướng đã trở thành hiện thực với việc ra mắt và chính thức đi vào hoạt động của Ban tư vấn đạo đức vào chiều qua 21-2. Ban gồm 7 thành viên là các chuyên gia, nhà báo uy tín trong ngành thể thao, hoạt động với nhiệm vụ chính là phối hợp phòng chống và ngăn ngừa tiêu cực bằng việc tư vấn BTC giải về các trận đấu nhạy cảm, các sự việc liên quan đến đạo đức của những đối tượng là thành viên của giải nảy sinh trong quá trình thi đấu, tập trung theo dõi và có hướng xử lý các thông tin qua từng trận đấu, từng vòng đấu để đánh giá các sự cố phi thể thao, qua đó đề xuất hướng giải quyết. Điểm khác biệt lớn nhất chính là việc các sự cố được xác định có biểu hiện tiêu cực đều sẽ bị xử lý mà không nhất thiết cần bằng chứng. Nói cách khác, những sự việc từng khiến Ban kỷ luật VFF “bó tay” với câu hỏi “bằng chứng đâu” sẽ không còn nữa. 

Trên thực tế, để xóa bỏ tiêu cực vốn đã bén rễ, ăn sâu vào bóng đá Việt Nam không hề đơn giản. Chẳng nói đâu xa, ở mùa giải năm 2012, người hâm mộ không khỏi bức xúc trước việc Hà Nội T&T cố tình đá tiêu cực trước SG.XT nhằm giúp “người anh em” SHB.Đà Nẵng có được chức vô địch. Tất cả đều diễn ra sờ sờ trước mắt, nhưng cả VFF lẫn VPF đều bó tay. Chưa kể, còn biết bao vụ bán độ, dàn xếp tỷ số… diễn ra ở “thế giới ngầm” lâu nay chỉ dừng ở đồn đoán, bởi không có cá nhân hay tổ chức nào đủ Tâm và Tầm can thiệp. Cần phải nhắc lại rằng, một trong những nguyên do khiến Ban tư vấn đạo đức chậm ra đời bởi một số ứng viên dù tâm huyết nhưng vẫn xin rút vì ngại “đụng chạm”.

Cũng bởi vậy mà không ít ý kiến lo ngại, nếu không đủ Tâm và Tầm, các thành viên Ban tư vấn đạo đức rất có thể bị nhấn chìm trong vòng quay tiêu cực bóng đá Việt. Cùng việc Ban này phải tự vận động tài chính để tồn tại cũng khiến những nghi ngại nảy sinh. Một yếu tố không thể không nhắc đến chính là việc Ban tư vấn đạo đức (thuộc VPF) và Ban kỷ luật (thuộc VFF) sẽ phải cùng nhau hợp tác giải quyết các sự vụ nhạy cảm. Hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” vẫn thường xảy ra giữa Ban kỷ luật và Ban giải quyết khiếu nại (cùng thuộc VFF) đang dấy lên lo ngại về mối bất hợp tác giữa 2 Ban thuộc 2 tổ chức vốn vẫn được cho là có những khúc mắc trong quá khứ VFF-VPF.

Không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia Nhật Bản, Tanabe ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức cố vấn cho Chủ tịch Công ty VPF và dự buổi ra mắt chiều qua đã đến bắt tay từng thành viên Ban tư vấn đạo đức và nhắn nhủ: “Đây là Ban quan trọng nhất trong việc cải tổ giải đấu. Mong rằng các bạn sẽ phát huy hết tâm huyết và khả năng của mình để cùng chúng tôi chung tay phát triển bóng đá Việt Nam”. Cùng với đó, ông Trần Song Hải, Phó Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam thay mặt các CĐV trên toàn quốc gửi tặng Ban tư vấn đạo đức 2 chữ: Tâm và Fair-play. Theo giải thích của ông Hải, chữ Tâm là để mong các thành viên Ban này làm việc với tâm huyết, nghiêm khắc xử lý triệt để các sự vụ, còn chữ Fair-Play là để nhắc nhở không bị chi phối yếu tố vùng miền, hay các quan hệ khác. “Mong rằng Ban chuyên xử lý các vấn đề tiêu cực sẽ không dính phải tiêu cực”, ông Hải nói.