Cần có sự điều hành sáng suốt, tầm nhìn xa

ANTĐ - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề: “Những ràng buộc đối với tăng trưởng”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR), trưởng nhóm nghiên cứu nhận định kinh tế Việt Nam đã hồi phục nhưng còn “nhẹ và mong manh”. 

Các chuyên gia tham dự lễ công bố cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông đang đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc với tư cách nước nhập khẩu ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, máy móc và dịch vụ xây dựng nhiều công trình năng lượng và hạ tầng; đồng thời là nhà xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng như cao su, gạo, hoa quả... nên quan hệ xấu đi giữa hai nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

VEPR đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2014 là: ở kịch bản thấp, GDP đạt khoảng 4,15%; kịch bản cao, GDP sẽ tăng mức 4,88%. Cả 2 kịch bản này đều thấp hơn thành tích 5,42% đã đạt được trong năm 2013. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lý giải: “Trước khi có “cú sốc Trung Quốc”, VEPR đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP 

5,4-5,5%, nhưng cú sốc này chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế có sự suy giảm nhất định dù đã tính đến việc Chính phủ, các doanh nghiệp thích nghi, thay đổi với hoàn cảnh. Ảnh hưởng của cú sốc có thể ở ngay cuối năm nay, hoặc sang năm sau”. Theo đó, Việt Nam cần phát hiện, tìm kiếm khu vực thay thế nhập khẩu nguyên liệu; tái cơ cấu chu trình sản xuất theo hướng nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc, ASEAN, Mỹ, EU, kéo dài chu trình sản xuất, không quay vòng vốn nhanh để tránh rủi ro lệ thuộc vào nguồn hàng.

Bên lề lễ công bố, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Chính phủ cần điều chỉnh chi tiêu thường xuyên giảm xuống, tăng cường đầu tư về chiến lược biển cũng như quốc phòng. Các doanh nghiệp phải hoạt động một cách có hiệu quả hơn trên cơ sở tìm ra những đối tác mới để thay thế Trung Quốc đề phòng nước này có biện pháp gây sức ép thì có phương án khắc phục. Bên cạnh đó, đối với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp (sửa chữa, nguyên liệu) để người dân bám biển; bổ sung các tàu lớn của quốc gia để hỗ trợ về hậu cần cho các đội tàu cá.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lưu ý, việc điều hành chính sách nên sáng suốt, có tầm nhìn xa, không chỉ phụ thuộc vào tin đồn hoặc niềm tin trong ngắn hạn để ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp trong nước.