Cần biện pháp chặn từ điển “rác”

ANTĐ - Dư luận chưa hết bàng hoàng về cách lý giải từ ngữ “ngây ngô”, lệch lạc trong cuốn từ điển của tác giả Vũ Chất thì mới đây lại xuất hiện thêm định nghĩa “ả đào” là “đào hát trong các hộp đêm”, “con ranh” là “con đẻ ra thì chết”, “nữ công” là “thợ đàn bà”, “công nghệ đàn bà”, “nữ luật gia” là “luật gia đàn bà”… Những cụm từ này được trích trong cuốn Từ điển tiếng Việt do NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội phát hành. 

Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Hùng Việt - nguyên Viện trưởng Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam về tình trạng này.


Cần biện pháp chặn từ điển “rác” ảnh 1PGS.TS Phạm Hùng Việt - nguyên Viện trưởng Viện từ điển và Bách khoa thư

Từ điển “rác” nhái, giả danh

- PV: Là một người nhiều năm tâm huyết với công việc biên soạn từ điển tiếng Việt, ông cảm thấy buồn khi đọc lỗi của một số cuốn từ điển “thảm họa” được phản ánh trên báo chí gần đây?

- PGS.TS Phạm Hùng Việt: Quá kinh khủng! Đọc những định nghĩa ấy tôi cảm thấy bất bình, bức xúc bởi từ điển là công cụ tra cứu mà lại làm sai như thế. Đối với những người biên soạn từ điển thì đó là sự xúc phạm!

- Có sự sao chép, xào nấu của các cuốn từ điển này không thưa ông? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến những người biên soạn và xã hội?

- Cách đây hơn chục năm, Nhà xuất bản Thanh Hóa bị cơ quan quản lý đình bản vì đã cóp nhặt, sao chép y nguyên cuốn từ điển của Viện Ngôn ngữ học. Vừa qua tôi đến các nhà sách ở Hà Nội và thấy “la liệt” từ điển tiếng Việt. Tên của nhà xuất bản thì không lạ, nhưng  người biên soạn thì lần đầu tôi nghe thấy, còn tên cơ quan tổ chức biên soạn thì thường là mơ hồ, giả danh. Một số cuốn từ điển “giả danh” cơ quan như Khoa học - Xã hội - Nhân văn, Viện Ngôn ngữ… để lấy lòng tin kiếm lợi nhuận. Đó là những cuốn từ điển thường được in ấn đẹp mắt, nhưng chất lượng rất kém, sai lệch nhiều. 

Việc nhái tên cơ quan khoa học, cóp nhặt định nghĩa của các cuốn từ điển đã lỗi thời, cho ra đời các cuốn từ điển “rác” tất nhiên ảnh hưởng nhiều đến lòng tin của người dân đối với công cụ tra cứu, với từ điển ngữ văn. Nếu định nghĩa sai, giải thích lệch lạc… thì người dùng từ điển, nhất là các em học sinh, sẽ hiểu sai và có cái nhìn thiển cận đối với sự vật, hiện tượng đó.

- Làm từ điển cũng là một nghề. Việc biên soạn từ điển cần những yếu tố gì thưa ông?

- Phòng Từ điển Ngữ văn của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (vốn là phòng Từ điển học của Viện Ngôn ngữ học chuyển sang) có gần 10 người biên soạn từ điển và một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên. Công việc biên soạn từ điển rất vất vả, trước tiên phải xây dựng ngân hàng dữ liệu về từ ngữ, phải qua nhiều khâu soạn, duyệt và phải đảm bảo chính xác từng từ ngữ trong lời định nghĩa. Cuốn từ điển do GS Hoàng Phê chủ biên và tập thể gồm 16 cán bộ ngôn ngữ học tập trung biên soạn, trong đó có tôi tham gia đã thực hiện một thời gian dài. Đây là cuốn từ điển tiếng Việt duy nhất ở nước ta được tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (năm 2005). Từ lúc làm tư liệu, bắt đầu năm 1969 cho đến năm 1987 chúng tôi mới hoàn thành và năm 1988 cho ra mắt cuốn đó.

Cần biện pháp chặn từ điển “rác” ảnh 2Từ điển nhiều lỗi được bày bán trên thị trường hiện nay

Đừng tham rẻ mà mua phải hàng “rởm”

- Để “lọt lưới” những cuốn từ điển rác như vậy, trách nhiệm sẽ thuộc về ai thưa ông?

- Trách nhiệm đầu tiên thuộc về người biên soạn từ điển và nhà xuất bản, nơi cho ra đời các cuốn từ điển đó. Nếu người biên soạn làm việc nghiêm túc, cẩn thận, nhà xuất bản biên tập kỹ lưỡng và có trách nhiệm với sản phẩm của mình thì sẽ không xảy ra những hiện tượng đáng buồn như vậy.

Tuy nhiên, từ điển hiện được coi là “nguồn kinh doanh lớn” mang lại lợi nhuận cao, chính vì vậy “người sản xuất” đôi khi chỉ chú trọng lợi nhuận. Mặt khác, bản thân người tiêu dùng cũng phải thông minh để biết phân biệt thật –giả, chọn lựa được những cuốn sách có chất lượng. Đừng tham rẻ mà mua phải hàng “nhái”, hàng “rởm”. Nên chọn những cuốn từ điển có tên cơ quan rõ ràng, uy tín về công cụ tra cứu.

- Nhưng họ đâu có thể thẩm định được chính thống hay không, trước “rừng”từ điển trên thị trường, mọi người đều lúng túng khi lựa chọn. Tại sao chúng ta  chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ?

- Theo tôi, cơ quan quản lý nên quy định nhà xuất bản nào được phép, đủ tiêu chuẩn in ấn phát hành từ điển chứ không nên “để ngỏ” như bây giờ. Ít nhất, những nhà xuất bản như vậy phải có bộ phận biên tập về từ điển, có các biên tập viên có kỹ năng biên tập từ điển. 

Tiến sỹ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Trường THPT Chu Văn An Hà Nội) nói: “Từ điển là phương tiện tra cứu, có giá trị điều chỉnh, định hướng cho việc dùng từ trong cộng đồng, nhất là với đối tượng học sinh, sinh viên... Hiện tượng những lỗi sai tới ngớ ngẩn của từ điển Tiếng Việt được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây thực sự đã gây sốc cho dư luận, đưa đến nỗi lo lắng cho phông văn hoá chung của thời đại. Chính vì vậy cần có một chế tài thẩm định nghiêm túc với từ điển - những chiếc máy cái về ngôn từ để giúp làm trong sáng tiếng Việt của chúng ta!”.