Căn bệnh khó chữa với nước Nhật

ANTD.VN - Làm việc quá sức, thậm chí dẫn đến đột tử vẫn là “bệnh kinh niên” của xã hội công nghiệp Nhật Bản. Một việc đơn giản như chậm nhất phải rời công sở lúc 20h nhiều khi lại là việc khó với nhiều người ở đất nước Mặt trời mọc.

Người lao động tranh thủ chợp mắt trên tàu điện ngầm là hình ảnh thường thấy ở Nhật Bản

Năm vừa qua, người Nhật vô cùng bàng hoàng khi được biết con số thống kê đối với những trường hợp “Karoshi” - chết vì làm việc quá sức lên đến 189 người. Nhưng đáng sợ hơn, con số thực tế còn cao hơn mức thống kê này rất nhiều lần và phần lớn là tập trung ở giới trẻ.

Hiện tượng Karoshi được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1987 khi Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nhiều ca tử vong đột ngột của giám đốc các công ty.

Người Nhật gây ấn tượng với toàn thế giới bởi sự kỷ luật và tinh thần hăng say làm việc đến ngạc nhiên. Đó là một tập quán làm việc phổ biến ở Nhật Bản, đất nước mà lòng trung thành của người lao động với các công ty đã trở thành huyền thoại.

Theo các thống kê, từ sau Thế chiến II, người Nhật Bản có số giờ làm việc lâu nhất trên thế giới. Họ làm việc không chỉ vì vấn đề tài chính, mà còn lấy công việc làm niềm vui. Làm ngoài giờ thậm chí còn được coi là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống công sở.

Tuy nhiên, sự ham việc, sự quá tải và mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống mà chính người Nhật tự mang đến cho bản thân đã dẫn đến con số những người chết vì làm việc quá sức tại đất nước này đang tăng dần. Cũng có một thực tế là ở Nhật Bản, do việc thực thi luật lao động một cách lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ép người lao động làm việc đến kiệt sức, dẫn tới những hậu quả đau lòng.

Người nước ngoài đến Nhật Bản làm việc sẽ bất ngờ khi được biết một trong 7 đặc điểm của môi trường doanh nghiệp nước này là hãy luôn luôn chuẩn bị tinh thần làm thêm giờ bất kỳ lúc nào, vì thế sẽ khó có cơ hội cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo hợp đồng lao động, bạn sẽ phải làm việc 40 tiếng/tuần tức là 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên trên thực tế, cứ đến 17h hàng ngày, các nhà quản lý sẽ tự tắt đồng hồ tính giờ và yêu cầu bạn làm việc cho đến khi nào xong thì về mà bạn không được trả thêm một xu nào.

Chính vì thế mà nhiều thập kỷ qua, Karoshi đã trở thành một hiện tượng phổ biến và nghiêm trọng tại quốc gia châu Á này. Làm việc quá sức cũng là cụm từ xuất hiện rất nhiều trên tiêu đề các bài báo. Bộ Lao động Nhật Bản thừa nhận có 2 loại Karoshi.

Thứ nhất là tử vong do bệnh tim mạch vì làm việc quá sức. Thứ hai là tự tử vì căng thẳng tinh thần do công việc. Một người lao động chết vì bệnh tim sẽ được liệt vào danh sách Karoshi nếu làm quá giờ 100 tiếng trong tháng trước khi chết, hoặc quá 80 tiếng/tháng trong 2 tháng liên tiếp. Người tự sát được coi là karoshi khi làm việc quá giờ 160 tiếng/tháng hoặc hơn 100 tiếng/tháng trong 3 tháng liên tiếp.

Trước thực trạng Karoshi, Chính phủ Nhật Bản buộc phải có những nỗ lực ngăn chặn như khuyến khích người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động làm việc từ 60 tiếng trở lên mỗi tuần xuống ít hơn 5% vào năm 2020 để hạn chế số ca tử vong.

Mới đây nhất, ngày 15-9 vừa rồi, bà Y. Koike, nữ Thị trưởng đầu tiên của Tokyo, đã công bố kế hoạch giảm giờ làm thêm của các công nhân viên chức làm việc trong chính quyền thành phố nhằm hạn chế tình trạng làm việc sau 20h hàng ngày tại Thủ đô của Nhật Bản.

Theo kế hoạch, một “Đội chống làm thêm giờ” sẽ được thành lập trong từng cơ quan trong chính quyền Tokyo để giúp thực thi chính sách của Thị trưởng. Ngoài ra, chương trình “Đường đua giảm giờ làm thêm” cũng sẽ được tổ chức, trong đó đèn tại các văn phòng sẽ được tắt đi để khuyến khích nhân viên rời văn phòng về nhà.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, khi các công ty vẫn đang quay cuồng với bài toán lợi nhuận, Karoshi vẫn tiếp tục là căn bệnh khó chữa với nước Nhật.