Cần 30 nghìn tỷ đồng để ổn định dân cư

ANTĐ - Bố trí ổn định dân cư ở vùng thiên tai, vùng sạt lở đất, vùng có khả năng chịu tác động của biến đổi khí hậu là một trong những chủ trương lớn được thực hiện hơn 5  năm qua. Tuy nhiên, số hộ cần di dân trong giai đoạn tới vẫn lên đến hàng vạn hộ, trong khi, quỹ đất của các địa phương rất eo hẹp.

Cần 30 nghìn tỷ đồng để ổn định dân cư ảnh 1
Sạt lở đe dọa hàng vạn hộ dân sống ven sông


60 vạn hộ có nhu cầu di dời

Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2006-2010, các địa phương đã bố trí ổn định cho hơn 146 nghìn hộ dân, chiếm phần lớn là số hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở. Ông Phạm Khánh Ly, Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, những năm gần đây, thiên tai ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng gây nhiều tổn thất về người và tài sản.

Theo thống kê, hiện cả nước có hàng trăm điểm sạt lở, 60 lưu vực sông dễ xảy ra lũ quét với hơn 10 vạn hộ sinh sống ở khu vực có nguy cơ rất cao cần phải di dời đến nơi an toàn. Ông Ly cho biết, nhu cầu bố trí ổn định dân cư hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn, lên tới trên 60 vạn hộ, tương đương khoảng 305 vạn người,  riêng giai đoạn 2011-2015 cần bố trí cho gần 35 vạn hộ. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng  rất cấp bách trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, do giai đoạn tới số hộ trong diện cần di dời quá lớn, nên mục tiêu đưa ra, từ nay đến 2015, chỉ thực hiện bố trí cho 12,5 vạn hộ, đến năm 2020 là 30 vạn hộ, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu cần di dân lên tới 83 nghìn hộ, tiếp đó đến khu vực Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ… Mới đáp ứng một nửa so với nhu cầu thực thế. Trong đó, phải đảm bảo mục tiêu, đời sống của người dân ở nơi tái định cư phải ổn định, tốt hơn so với nơi ở cũ, 100% số hộ có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. 

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đưa ra chính sách hỗ trợ gia đình được bố trí ổn định, như hộ bị mất nhà, đất ở, đất sản xuất do sạt lở được hỗ trợ 28 triệu đồng nếu định cư ở vùng đồng bằng, 32 triệu đồng/hộ nếu định cư ở vùng núi; hộ gia đình ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn sẽ hỗ trợ từ 18-21 triệu đồng/hộ… Bộ NN&PTNT khái toán, số vốn cần để bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2011-2015 là hơn 15 nghìn tỷ đồng, giai đoạn kế tiếp 2016-2020 cần số vốn tương tự. Đây là số kinh phí lớn, do vậy để thực hiện được, theo Bộ NN&PTNT, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 60%, còn 40% sẽ do ngân sách địa phương đóng góp. 

Vốn lớn lấy ở đâu?

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, số vốn cần để bố trí ổn định dân cư giai đoạn tới là rất lớn, vì vậy, cần địa phương  chung sức cùng Nhà nước. Chủ trương di dân, bố trí dân cư khỏi vùng thiên tai, sạt lở là hết sức cần thiết, nhưng Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang - Nguyễn Thị Định băn khoăn, số vốn là quá lớn, dù địa phương chỉ đóng góp 40% nhưng cũng khó có thể đáp ứng được. Hơn nữa, hiện, hầu hết các địa phương cũng đều đang triển khai xây dựng nông thôn mới với tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Không chỉ Tuyên Quang, việc tìm kinh phí ở đâu  để thực hiện là lo lắng chung của tất cả các địa phương, trong khi quỹ đất của các tỉnh, thành hiện cũng đã không còn nhiều. Ông Âu Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết, hiện, việc bố trí đất ở cho các hộ cần di dân là rất khó khăn, những khu vực đất màu mỡ, có thể sản xuất được thì đã có chủ.

Trong khi đó, đất giao cho các hộ phải là đất có thể sản xuất được, nếu không, người dân sẽ quay về về khu ở cũ. Ngoài ra, mức hỗ trợ trên cho các hộ trong diện phải di dời là quá thấp. “Chủ trương di dân, vừa là để dân cư đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống, nhưng cũng là xóa nhà tạm, xây nhà kiên cố. Nhưng với mức hỗ trợ như trên, thì chỉ đủ để xây dựng một căn nhà tạm”, ông Chiến nói.

Cũng bởi thiếu đất sản xuất cho người dân ở nơi mới, không đủ kinh phí để hỗ trợ người dân xây nhà kiên cố,  nên nhiều nơi, chỉ sau một thời gian tái định cư, người dân lại kéo nhau về nơi cũ để ở.  Theo ý kiến của nhiều địa phương, để chương trình di dân tái định cư giai đoạn tới đáp ứng được nhu cầu thực tế thì nên phân theo từng địa phương, để cân đối sự hỗ trợ giữa Nhà nước và địa phương.