Cấm sinh viên bình luận dung tục trên mạng: Cấm thì dễ, xử mới khó

ANTĐ - Sau rất nhiều vụ việc phát sinh trên trang mạng xã hội giữa học sinh, sinh viên, phụ huynh với thầy cô, nhà trường, Bộ GD-ĐT đã chính thức đưa ra quy định về 10 hành vi sinh viên không được làm, trong đó đưa ra mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học tùy theo mức độ vi phạm với việc đăng tải, bình luận dung tục trên trang mạng. tuy nhiên quy định này đã gây rất nhiều phản ánh trái chiều.

Cấm sinh viên bình luận dung tục trên mạng: Cấm thì dễ, xử mới khó ảnh 1

Vì sao kiểm soát, kiểm soát thế nào?

Việc hạ hạnh kiểm, buộc thôi học có thời hạn, yêu cầu chuyển trường… đã từng được các trường phổ thông, đại học áp dụng khi phát hiện sinh viên, học sinh, thậm chí là phụ huynh “nói xấu” nhà trường. Điều này vẫn gây ra những phản ứng trái chiều, bên ủng hộ, bên cho là thiếu cơ sở xử lý. Trước tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã chính thức đưa ra quy chế công tác sinh viên đại học chính quy thay thế cho quy định bị cho là lạc hậu từ năm 2007.

Theo đó, hành vi mới được bổ sung là sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.

Tùy theo mức độ vi phạm, sinh viên sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, sinh viên được giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Những mức phạt này còn áp dụng cho sinh viên có hành động quấy rối, dâm ô, xâm phạm nhân phẩm, đời tư của người khác.

Ngay lập tức, phản ứng đầu tiên của không ít bạn trẻ thắc mắc vì sao lại phải đưa ra một quy định chẳng khác nào kiểm soát, can thiệp quyền tự do phát ngôn của sinh viên? Nhiều sinh viên hiểu đơn giản là trên trang Facebook của mình, việc tự do viết bình luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh mình thích hoặc không thích là điều mà nhà trường, thậm chí bố mẹ cũng không có quyền ngăn cấm.

“Nếu như nói trực tiếp không ai nghe thì chúng em còn có mạng xã hội để giãi bày suy nghĩ cá nhân của mình. Bây giờ lại cấm không được nói trái chiều thì chẳng nhẽ trước hành động không đúng vẫn chỉ được nói xuôi chiều, chỉ khen, không chê?”, một sinh viên ĐH Kiến trúc chia sẻ.

Nguyễn Mai Linh, sinh viên ĐH Ngoại Thương cho rằng quy định này chỉ nên áp dụng với học sinh phổ thông, những đối tượng còn bốc đồng, đang ở lứa tuổi vị thành niên, chưa hoàn toàn nắm được cái hay, cái dở, dễ bị tác động bên ngoài... Còn với sinh viên, là đối tượng phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước mọi quy định pháp luật thì không cần thiết phải có ràng buộc bằng những quy chế cứng trong nhà trường.

Về phía nhà trường, đại diện Phòng Công tác sinh viên, ĐH Thủy Lợi cho biết, nhà trường đang nghiên cứu quy chế để phổ biến cho sinh viên. “Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo ngại là nhà trường không thể quản lý được mạng xã hội, cũng không thể khẳng định cá nhân nào phát ngôn, đăng tải. Bản thân chúng tôi cũng cố gắng kết nối trên diễn đàn, Fanpage, Facebook với sinh viên trường mình nhưng cũng không xuể.

Thậm chí, khi phát hiện sinh viên có những hành vi vi phạm nói trên nhưng không thừa nhận, đổ tại là bị người khác lấy mất tài khoản hay dùng chung máy với người khác thì cũng không chưa biết xử lý thế nào. Ngoài ra, hiểu thế nào là nội dung dung tục thì Bộ GD-ĐT cần phải giải thích rõ hơn”, đại diện trường này cho biết.

Quy định đưa ra nguyên tắc lối sống

Trước rất nhiều ý kiến bình luận về quy chế này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa lý giải, mục đích xây dựng quy chế không phải để tạo ra rào cản với các nền văn hóa, lối sống hiện đại. Quy định này chỉ mang tính chất khung, nguyên tắc bởi thế hệ trẻ không thể đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

“Việc đưa vào những hành vi cấm đăng tải thông tin như trao đổi trên nhằm thực hiện tốt hơn Luật Công nghệ thông tin, đồng thời cụ thể hóa các quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học… Đây cũng là cách thức để giúp sinh viên sử dụng môi trường mạng một cách lành mạnh, giúp các bạn học tập, giải trí vui chơi trong môi trường thật sự an toàn. Sinh viên cũng như mọi công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phân tích. 

Giải thích thắc mắc về phân biệt hành vi dung tục như thế nào, Thứ trưởng 

Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng cần căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể và đối chiếu với các quy định hiện hành. Tại các trường, Hội đồng khen thưởng kỷ luật sẽ xác định hành vi này và việc xử lý thuộc thẩm quyền trường.

Còn thắc mắc về cách xử lý tình huống sinh viên bị người khác lấy mất tài khoản, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT giải thích: “Việc xác định tài khoản có hành vi vi phạm là của ai hoặc tài khoản đó có bị lợi dụng để làm chuyện xấu hay không là việc khó khăn đối với các nhà trường. Trong quá trình triển khai, các nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng”.

Theo ông Ngũ Duy Anh, quy định này xuất phát từ thực tiễn sử dụng mạng xã hội đang phổ biến trong sinh viên hiện nay, bởi ngoài những tác động tích cực thì mạng xã hội cũng kéo theo những vấn đề tiêu cực. Không ít sinh viên do vô tình hoặc cố ý đã vi phạm các hành vi bị cấm quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ.

Trong khi đó, các nhà trường lại chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với sinh viên vi phạm. Dựa trên các quy định này của Bộ GD-ĐT, nhà trường sẽ có quy định chi tiết và tổ chức quán triệt, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các vi phạm trong sinh viên.

 “Bộ GD-ĐT với tinh thần rất cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng xã hội cũng như của các cơ sở đào tạo, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu thấy cần thiết, có thể nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết.

Không phải muốn nói gì trên Facebook cũng được

Mọi người viết trên Facebook cứ nghĩ mình đang ở trước mặt tờ giấy, muốn nói gì thì nói, nhưng thật ra có thể hàng nghìn người sẽ đọc. Hãy nghĩ đến chuyện bạn muốn quát ai đó, nếu xung quanh đông người, ta cũng phải kiềm chế lại. Việc chia sẻ trên Facebook cũng như vậy.

Tôi xin đưa ra một ví dụ, một người bạn có dẫn một em học sinh lớp 8 đến xin học ở trường tôi. Khi đến làm việc với nhà trường, lúc ra về, bạn ấy không chào hỏi ai thì một cô giáo có nhắc rằng, con không chào ai à? Đó là sự nhắc nhở hết sức bình thường. Nhưng bạn ấy viết lên Facebook rằng: “Gặp một con mụ, hoạnh họe không chào ai à…”, không chỉ thế, bạn ấy còn có những “status” (trạng thái) hết sức “dã man” khi viết về bố mẹ mình. Tôi đã từ chối nhận học sinh đó vào trường bởi không thể giáo dục được.

Facebook như một bộ mặt của con người vậy, qua nó có thể đánh giá được con người đó như thế nào. Nhà trường, phụ huynh cần làm thế nào để các em hiểu rằng, Facebook là tốt, nhưng quan trọng còn do mục đích sử dụng. Học sinh nên dùng Facebook để hỗ trợ việc học tập, giao lưu tích cực trong mối quan hệ giữa thầy, trò và nhà trường. Các em hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí…

PGS Văn Như Cương (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)

Quy định xong không thể bỏ đấy

Có thể khẳng định, Bộ GD-ĐT ra quy định này với mong muốn sinh viên sống lành mạnh, văn hóa, trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu Bộ GD-ĐT có kiểm soát được việc thực hiện quy định này của mình hay không? Nếu chỉ đặt ra như một thứ mệnh lệnh chỉ để thể hiện trách nhiệm của người quản lý thì chưa thực sự làm hết trách nhiệm. 

Việc phát hiện ra những bình luận, chia sẻ hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… như Bộ GĐ-ĐT quy định không khó, nhưng liệu an ninh mạng có tìm được ra sinh viên nào thực hiện điều này hay không? Đặt ra như vậy tính khả thi mới cao chứ không kiểm soát được mà cái gì cũng cấm đoán, cái gì cũng phạt chưa chắc đã hợp lý. Tôi cho rằng, đưa ra quy định thì phải kiểm soát được, nếu không thì chỉ nên kêu gọi.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội)