Cảm nhận đẹp về những chiến sĩ CSGT

ANTĐ - Những ngày nắng nóng khủng khiếp vừa qua, khi nhiều người được làm việc trong phòng điều hòa mát lạnh, hoặc tìm đến những nơi mát mẻ để trốn nắng, thì những chiến sĩ CSGT vẫn phải đứng nhiều tiếng liền ngoài trời nắng. Rồi bất chợt giông sầm sập đến, bụi quất xuống đường ràn rạt, những CSGT vẫn không rời vị trí. Trong cuộc sống hối hả, vội vã và đầy thực dụng, nhiều người còn đang bận rộn với những lo toan riêng cho mình, thì vẫn có những đồng chí cảnh sát quên mình vì lo cho người khác. 

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đang chỉ đạo
các phương án phòng chống ùn tắc tại ngã tư Xuân Thủy - Phạm Hùng
sau trong cơn mưa to chiều qua 17-5

- Chào đồng chí Trưởng phòng cảnh sát giao thông! Xin được bắt đầu câu chuyện với đồng chí bằng chuyện thời tiết. Mấy hôm nay chắc đồng chí cũng dõi theo dự báo thời tiết chứ?

- Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Hà Nội: Có, tôi theo dõi hàng ngày. Nắng đầu mùa mà khắc nghiệt quá. Mỗi một ngày nắng là mỗi ngày những chiến sĩ của tôi, đồng đội của tôi phải đày mình dưới chảo lửa.

- Quả là nóng như rang. Thú thực với đồng chí, tôi mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính râm kín mít, đứng chờ đèn đỏ chưa tới 1 phút mà chỉ muốn vượt cho nhanh vì cái nắng xối vào mặt.

- Đấy là tâm lý chung, người dân thường ngại nắng, khi thấy trên đường mà không có bóng CSGT là họ vượt đèn đỏ ngay. Hiện ở nhiều nút giao thông không có bóng cây, nhiều người dân vì nắng nên sẽ vượt đèn đỏ, và khi họ không chấp hành luật lệ giao thông có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc hoặc gây lộn xộn về giao thông. Chính vì thế lực lượng CSGT không được phép rời vị trí. Nhưng tôi tin rằng bất kỳ người dân nào nhìn thấy những đồng chí cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ mồ hôi nhễ nhại giữa trời nắng như thế, họ sẽ chia sẻ với CSGT và không vi phạm.

- Và để động viên CBCS, Trưởng phòng đã đến tận các chốt giao thông mang nước uống cho anh em?

- Đồng chí thấy đấy, trong 3 ngày vừa qua, những khi tôi đi kiểm tra vào giờ cao điểm, nhiệt độ ngoài trời thường là  39, 40 độ, thậm chí lên tới 43 độ. Tôi đã phân công các đồng chí chỉ huy phòng đến động viên anh em và tôi cũng đã đến tận nơi anh em làm việc. Tôi nghĩ rằng một vài chai nước, không phải là cái gì lớn lao, nhưng điều đó sẽ động viên anh em trong lúc nắng nóng  thế này. Tôi muốn người dân hiểu rằng dù thời tiết khắc nghiệt như thế nào lực lượng CSGT cũng luôn có mặt để điều hành hướng dẫn giao thông. Trong những ngày nắng nóng, hay trong ngày mưa ngập mà có cảnh sát giao thông tổ chức phân luồng thì sẽ hạn chế được thiệt hại. Để những tuyến đường bình yên là hạnh phúc của nhân dân nhưng cũng là niềm vui của những người thực thi nhiệm vụ chúng tôi.

- Người chỉ huy ra đường để biết người lính của mình vất vả như thế nào?

- Tôi làm việc này, vì trước khi làm chỉ huy, tôi cũng đã là lính, tôi cũng đã đứng ở ngoài đường để điều khiển giao thông, tôi cũng đã thấm những giọt mồ hôi và cũng đã trải qua tất cả các công việc mà các chiến sĩ của tôi đang thực hiện trên đường phố. Tôi thấu hiểu cái nóng, cái nắng, cái rét thấu xương, rồi những lúc mưa bão, cây đổ tắc đường và cả bụi bặm… nên lúc mà anh em khó khăn nhất, tôi muốn mình có mặt. Tôi đến với anh em là sự đồng cảm và cũng là để cảm nhận lại lúc ngày xưa mình đang đứng và bây giờ mình đang đứng!

- Những chiến sĩ của anh, họ đã nói gì với chỉ huy khi anh mang nước đến cho họ?

- Họ không nói gì cả. Và tôi làm việc này cũng không phải là để chờ họ nói gì. Nhưng tôi đã nhìn thấy qua ánh mắt của họ. Nhìn những giọt mồ hôi túa ra nhễ nhại, nhìn bộ quần áo ướt đầm của họ, nhìn những chiến sĩ cảnh sát giao thông nữ mặt đỏ gay, tôi đã hiểu những điều họ nói. 

- Tôi chia sẻ điều đó với anh, vì qua trò chuyện với các đồng chí đang làm nhiệm vụ họ đều tâm sự rằng tình cảm, sự quan tâm của người chỉ huy đối với người lính làm họ thấy mình phải có trách nhiệm hơn với công việc?

- Đúng vậy! Khi tôi có mặt ở nơi anh em làm nhiệm vụ, họ không nói nhiều về điều đó. Nhưng đến tối, khi họ hoàn thành nhiệm vụ, cũng có anh em gọi điện cho tôi và nói: “Cháu cảm ơn chú, dù có vất vả mấy, cháu sẽ cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”. Nghe anh em nói vậy, tôi hạnh phúc vô cùng. Tôi đến với anh em vừa mang một ý nghĩa của một người chỉ huy, một người anh và một người đồng đội đối với những đồng đội của mình. Tôi nghĩ anh em cảm nhận được điều đó.

-  Tôi khá bất ngờ,  người chỉ huy của một lực lượng  cảnh sát - công việc mà nhiều người vẫn  nghĩ rằng rất cứng nhắc, chỉ có pháp luật và mệnh lệnh mà lại cũng có suy nghĩ đa cảm như anh đấy!

- Cảnh sát giao thông thì cũng là con người mà, có phải sắt đá đâu. 

- Là người chỉ huy của lực lượng CSGT Hà Nội, điều anh mong muốn đối với lực lượng CSGT là gì?

- Mong muốn tạo hình ảnh người cảnh sát giao thông thủ đô đẹp và thân thiện, kỷ cương trách nhiệm vì nhân dân phục vụ - đó cũng là khẩu hiệu của CSGT gắn với khẩu hiệu của Bộ Công an và của Giám đốc CATP. Nhưng để làm được cái đẹp ấy không phải dễ, từng đồng chí CSGT phải hiểu được điều đó và phải coi việc giúp đỡ nhân dân là niềm vui của mình.

- Buổi làm việc đầu tiên của Giám đốc CATP Hà Nội là buổi làm việc với Phòng CSGT, xây dựng hình ảnh người CSGT đẹp và thân thiện cũng là mong muốn của người đứng đầu CATP? Là một cán bộ chỉ huy của lực lượng CSGT, anh thấy lực lượng CSGT có chuyển biến trong thời gian vừa qua?

- Ngay khi đồng chí Giám đốc lên nhận quyết định thì buổi làm việc đầu tiên của đồng chí là với phòng CSGT. Đấy là vinh dự của CSGT và cũng cho thấy lực lượng CSGT có nhiều vấn đề cần  phải chấn chỉnh, khắc phục. Đồng chí Giám đốc đã quan tâm chỉ đạo từ tư thế tác phong, từ lời ăn tiếng nói, cách làm việc của CSGT cho đến cả đến nơi ăn chốn ở, xây dựng trụ sở, nơi tiếp dân, trang bị phương tiện, trang phục cho lực lượng CSGT. Được sự quan tâm của cấp trên cộng với sự chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy phòng, lực lượng CSGT đã có những chuyển biến rõ nét. Những hành động đẹp của CSGT nhiều lên và điều tiếng thì đã bớt đi.

- Thế còn từ phía nhân dân, anh có nghe người dân phản ảnh gì không?

- Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã nhận được rất nhiều thư khen từ nhân dân, có những người nghệ sĩ cảm nhận được sự vất vả của CSGT đã sáng tác bài hát về lực lượng CSGT. Tôi cũng đã nhận được nhiều cuộc điện thoại đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo đã nghỉ hưu qua các thời kỳ đánh giá đi đường thoáng hơn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ  được thay đổi hẳn, ý thức phục vụ nhân dân tốt hơn, cách ứng xử xưng hô, cách làm việc nghiêm túc, xuất hiện nhiều tấm gương, hình ảnh tận tụy của người CSGT đối với nhân dân. Tôi nghĩ đó là một sự thay đổi lớn lao nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng rất nhiều để lấy lại những hình ảnh đẹp, việc làm đẹp, giảm bớt những tồn tại, xóa đi những cái nhức nhối mà lâu nay người ta vẫn nói về lực lượng CSGT.

- Nhưng cần phải làm sao để ý thức người dân nâng cao thật sự chứ không phải chỉ khi có bóng CSGT?

- Khi nhìn thấy những đồng chí CSGT tận tụy với công việc, chẳng hạn như khi nhìn thấy nam nữ CSGT đứng ngoài đường bụi bặm nắng nóng, hay bất chợt mưa ập xuống như thế này, người dân sẽ thông cảm với cảnh sát và chấp hành tốt hơn. Không phải là tôi đâu, nếu đồng chí đi đường và quan sát lực lượng CSGT dầm mình trong mưa nắng, đồng chí cũng sẽ có chung một cảm nhận đẹp về những chiến sĩ CSGT. Tôi muốn nói rằng, đường phố thông thoáng, ý thức người dân nâng cao là do  hình ảnh người CSGT đẹp lên trong mắt nhân dân. CSGT được nhân dân khen ngợi đó là công lao chung của anh em, chứ không phải của chỉ huy phòng.

- Vâng! Xin cảm ơn những chia sẻ của đồng chí.

Đại tá Đào Vịnh Thắng động viên, tặng nước uống cho cán bộ, hiến sỹ trực trưa ngày 17-5

“Nắng thế này mà vẫn đứng ở đây à?”

Phải nói là rất nóng. Nếu ở trong bốt thì như cái lò, còn ở ngoài trời thì như chảo lửa. Nhưng là nhiệm vụ thì phải khắc phục thôi. Khi tôi trực tại  nút cầu Thanh Trì, nhiệt độ ngoài đường cộng với sức nóng từ khí thải của phương tiện nhiệt độ có lúc lên đến hơn 40 độ C. Nắng nóng khiến chúng tôi không thể đen hơn được nữa. Nhưng tôi cảm thấy vui vì nhận được những ánh mắt chia sẻ của người dân với cảnh sát giao thông. Người dân tham gia giao thông nhìn thấy chúng tôi đứng vào giờ cao điểm, đứng vào lúc giữa trưa với nhiệt độ như thế thực sự nhiều người không nghĩ giờ này mà CSGT vẫn phải đứng ngoài đường. Tôi cũng những nhận được những lời nói của người dân khi qua đường. Họ bảo: “Nắng thế này đi vào trong đi anh”, “Nắng thế mà vẫn phải đứng đây à?”, hoặc: “Vào đi thôi”. Lúc đấy nghe những lời động viên ấy tôi cảm thấy như một cốc nước mát lạnh, và thấy mình phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Thượng sĩ Nguyễn Sĩ Mạnh- Đội CSGT số 5
Chào cô cảnh sát giao thông!

Tôi rất bất ngờ, khi mưa gió sầm sập như thế này mà Trưởng phòng CSGT lại có mặt ở đây. Thật sự ngã tư Khuất Duy Tiến giao thông rất phức tạp,  hôm nay mưa dông bất ngờ, giao thông tắc nghẽn, điều khiển rất mệt. Nhưng thấy chỉ huy đến động viên nên tôi cảm thấy rất vui và quên hết mệt mỏi. Là một người lính được chỉ huy quan tâm, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, lực lượng CSGT quá vất vả, phải thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Đứng ngoài nắng khô héo cả người nhưng lại rất vui vì được người dân chia sẻ. Hôm nắng gắt, tôi đang đứng điều khiển giao thông ở tại ngã tư này, có một chị phụ nữ đi ô tô chở hai cháu bé. Chị đi sát vào chỗ tôi đứng, rồi kéo kính xuống và nói  với con: “Con chào cô đi”. Hai cháu bé khoanh tay chào làm tôi  rất vui. Tôi cười chào lại cháu mà ứa cả nước mắt.  

Thiếu úy Nguyễn Thị Thanh Tâm – Đội CSGT Hà Nội
Cảm thấy yên tâm khi trên đường có bóng các anh

Thật sự khâm phục CSGT, những lúc nắng gắt, hay mưa lớn như thế này, mọi người chỉ muốn tìm một nơi để trú cho mình, vào máy lạnh hoặc nơi có bóng mát thì các anh lại phải đứng ngoài đường để điều khiển các làn xe chạy qua. Sự tận tụy của CSGT thật đáng nể phục. Từ hình ảnh của các anh, tôi tự ý thức được là mình sẽ chấp hành luật lệ tốt hơn để chia sẻ với những vất vả của CSGT. Nhiều khi chỉ vì ý thức kém của một số người mà gây tắc đường, ùn ứ. Nhìn các anh, các chị làm việc trong điều kiện thời tiết như thế này, tôi cũng chia sẻ được những khó khăn với họ, và tôi cũng hiểu được vì sao có những lúc CSGT mất bình tĩnh khi xử lý vi phạm giao thông. Mình thử đặt mình vào họ, một ngày phải tiếp xúc với hàng trăm hàng nghìn người, trong môi trường làm việc như thế thì mới hiểu được công việc của họ. Tôi muốn những người tham gia giao thông hiểu được nỗi vất vả của CSGT. Tôi cảm thấy yên tâm khi đi trên đường mà có bóng các anh. 

Anh Nguyễn Điệp Vũ - Giám sát khu đô thị Cổ Nhuế