Cầm ca ở Long thành

ANTD.VN - “Tít” bài này là ngô nghê diễn Nôm tên một đoản thi kiệt tác chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du. Kể cả khi đã được Việt hóa thì nhiều bản dịch vẫn để tiêu đề đúng theo nguyên tác là “Long thành cầm giả ca”, bởi đây là bài thơ viết về Hà Nội. 

Cầm ca ở Long thành ảnh 1Phố “cô đầu” Khâm Thiên xưa là nơi các tay chơi cao nhã ở phố cổ thường lui tới (Ảnh minh họa)

Cách đây chưa lâu, có đạo diễn giữ nguyên như thế để làm một bộ phim được nhiều giải lớn lắm. Nhân vật chính trong phim là Tố Như, khi ông còn lang thang cơ nhỡ trên những vỉa hè của Thăng Long thành.

“Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng”. Xem phim thì thấy đạo diễn cũng chưa hiểu nhiều về cụ Nguyễn. Làm thơ khác làm phim, đâu cứ phải quằn quại mới ra tác phẩm. Còn nhân vật nữ thì đương nhiên thành công, bởi cô bé đó xót xa mang thân phận của “xướng ca vô loài”.

Một nghề đặc biệt luôn gắn với không biết bao nhiêu thăng trầm chỉ có ở những nơi đô hội lớn. Những chị những em hành nghề này, ngày xưa hữu tình thì gọi là ca nương, bớt tình hơn thì gọi là kỹ nữ. Ngày nay thế sự vô tình, chẳng cứ vỉa hè mà ngay trên một vài truyền thông chính thống, thỉnh thoảng lại dùng chữ “cave”. 

Chữ “cave” xuất xứ ở Tây, nhưng âm hưởng đau đớn của nó lại rất thuần Việt. Có học giả uyên bác thích hát karaoke đã hớn hở giải thích, sâu xa nội hàm của nó mang nghĩa con ve, tuy bụng rỗng vì đói nhưng do phải vất vả mưu sinh nên vẫn nghẹn ngào véo von ca hát. Nghề cầm ca “tay vịn” hình như là bất hạnh thật, nên có một cố thi sĩ đã cay đắng đồng cảm: “Vân ơi, Quế ơi, Mơ ơi, Tuyết ơi. Những thằng đạo đức giả đã thôi xỉ vả các em chưa”. 

Nhân đây cũng xin được bàn thêm. Nghề ca kỹ ở thành thị phương Đông, nguyên thủy xuất phát từ người Tàu. Tổ sư sáng lập ra hệ thống thanh lâu (lầu xanh) là chính trị gia khét tiếng Quản Trọng, sống ở thời Xuân Thu xa tít. Có vài thuyết nghiêm túc cho rằng, tổ nghề Bạch My (mày trắng), chính là ông Quản Di Ngô này. Không phải ngẫu nhiên mà “Toàn Đường thi” (tuyển thơ Trung Quốc được coi là di sản văn hóa của nhân loại) năm vạn bài, thì có hơn hai nghìn bài với chủ đề ngắm kỹ nữ, vịnh kỹ nữ, tặng kỹ nữ, biệt kỹ nữ, nhớ kỹ nữ...

Hà Nội thời thực dân phong kiến, có hẳn hoi một con phố tập trung đông đảo chị em ca kỹ, đó là phố “cô đầu” Khâm Thiên. Các tay chơi cao nhã ở phố cổ, trong đó rất nhiều văn nhân tài tử giờ đây đã được đặt tên phố, đa phần là khách quen mặt của “ka tê”. Nhà văn Vũ Bằng gọi nơi đó là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”. Cùng một lứa bên trời lận đận (bản dịch của cụ Phan Huy Vịnh), tất nhiên tâm trạng của tài tử văn nhân thời đó cũng đầy xót xa thương cảm giống như cụ Nguyễn thôi. Chao ôi, chủ đề về nghề ca kỹ trong văn chương nghệ thuật của thị dân đã đứng riêng một góc trời.

Đông cũng thế mà Tây cũng thế. 

Alexandre Dumas “con” ở Paris đẫm lệ viết tiểu thuyết “Trà hoa nữ”. Bạch Cư Dị xuống Giang Nam nức nở sáng tác “Tỳ Bà hành”. Tại đất Việt, đại thi hào Nguyễn Du khóc với tiếng kêu đứt ruột (đoạn trường tân thanh). Văn học là tình. Tình động thì tâm động. Tâm động thì chữ sinh, chữ sinh thì tác phẩm thành. Có thể mạnh dạn nói, “cave” luôn song hành cùng nghệ thuật.

Ở một sự phân loại xã hội học không chính thức, nghề ca kỹ luôn được xếp vào nhóm phức tạp “dưới đáy” (chữ của văn hào vô sản M.Gorky). Có phải thế chăng mà rất nhiều người tử tế coi “cave” là nguồn dẫn đến các tệ nạn xã hội. Số lượng cave “hư” là một biến số. Theo cơ quan phòng chống tệ nạn xã hội, thì mọi số liệu về gái mại dâm đều là tạm tính. Đã nhiều hội thảo về vấn đề tế nhị này, nhưng câu trả lời vẫn dang dở. 

Giống như nhiều người viết, đa phần kỹ nữ đều có xuất xứ ở những nơi âm ẩm nước mắt. Hoặc từ những chung cư nghèo ngoại ô, hoặc từ những nơi xơ xác đồng chua chiêm trũng. Thật hiếm thấy cave là những thiếu nữ khuê các êm đềm ở nơi màn che trướng rủ. Xuất xứ là vậy nên kỹ nữ rất biết thương mình và thương người. Thương ở đây là thương yêu chứ họ không cần đểu giả thương hại.

Trong kiệt tác “Bút ký dưới nhà hầm”, nhà văn vĩ đại người Nga là Dostoyevsky đã mô tả một tội ác khi để gã nhân vật chính dung tục chế nhạo sự mong manh trong trắng cuối cùng của một cô gái điếm. Cô bé bị gã làm nhục khi trót khoe mấy lá thư tình của một chàng sinh viên nào đó, lúc qua đêm đã chân thành viết ngỏ lời thương cô. Cô bé chỉ bình dị khát khao muốn mọi người biết là mình đã yêu và được yêu. Gã dung tục kia đã cao đạo cậy chữ, cố vạch trần những lá thư đó chỉ là phù phiếm và lừa dối. Là một thiên tài đẫm đầy nhân hậu, Dostoyevsky xứng đáng là nhà văn của cave. 

“Thân lươn bao quản lấm đầu. Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Từa tựa như Đốt, văn học Việt Nam rưng rưng hãnh diện khi có thi hào Nguyễn Du. Hầu như trong túi xách tay hàng “fake” của bất cứ các cô cầm ca nào đấy cũng đều có một quyển Kiều, để những lúc vắng khách âm thầm bâng khuâng mang ra an ủi tự bói. Một nhà thơ hậu sinh không phải người Hà Nội đã làm hai câu lục bát mang vẻ “sến” buồn bã đến nghẹn cười.

“Tố Như vẫn khóc đêm trường

Khi Kiều còn đứng bên đường Nguyễn Du”.