Cái đích cuối cùng

ANTĐ - Trong phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế vĩ mô từng bước ổn định hơn vào những tháng cuối năm. Tuy vậy, tình hình còn rất khó khăn, lạm phát tuy có giảm nhưng tính chung cả năm vẫn còn rất cao. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng. Đặc biệt, việc làm và đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân mất việc làm đang là vấn đề bức xúc. Tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng khẳng định, cần quan tâm sâu hơn nữa tới việc làm, thu nhập, tiền lương, khoảng cách giàu nghèo, chứ không chỉ chạy theo tăng trưởng kinh tế.

Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi dành cho người nghèo như hỗ trợ bù giá điện cho hộ nghèo, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, miễn giảm học phí cho trẻ em nghèo, xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Chuyên gia về đói nghèo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận xét, nhà nước luôn có hai dòng chính sách. Dòng chính nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế và dòng phụ gồm các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, yếu thế, thu nhập thấp nhằm bù đắp lại sự bất bình đẳng, khiếm khuyết trong quá trình phát triển kinh tế. Câu hỏi là liệu dòng chính có thể làm tốt hơn việc giảm sự bất bình đẳng hay không? Dòng phụ có thể lấp kín những “lỗ hổng” mà dòng chính chưa xử lý được hoặc gây ra hay không?

Đơn cử như việc bù giá điện. Nhà nước điều chỉnh giá điện không theo cơ chế lũy tiến, người nào càng sử dụng nhiều, càng phải chi trả nhiều. Chính phủ cũng có chính sách bù 30.000 đồng/tháng cho những hộ nghèo sử dụng dưới 50 số điện một tháng. Trong khi chính sách của dòng chính là  lâu dài, thì chính sách của dòng phụ, tức là biện pháp hỗ trợ giá lại ngắn hạn và chưa chắc đã bù đắp được sự thiếu hụt của dòng chính gây ra. Một nghiêu cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc chỉ ra rằng, những khoản hỗ trợ người nghèo qua các chính sách, chương trình hỗ trợ vẫn không đủ đề bù đắp những khoản phí mà họ phải chi trả để tiếp cận các dịch vụ xã hội. Có thể lấy y tế và giáo dục làm dẫn chứng.

Song song với chính sách chủ đạo dựa trên nền móng Nhà nước đầu tư và chi trả, tức là cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc phân phối lại và tạo sự bình đẳng, nước ta cũng thực hiện chính sách xã hội hóa mà thực chất là “thương mại hóa”. Cơ chế này làm gia tăng tình trạng người dân phải trả tiền túi nếu muốn dùng dịch vụ. Với những người nghèo không có khả năng tự chi trả, thì cơ hội tiếp cận dịch vụ bị giảm sút, làm cho sự bất bình đẳng gia tăng. Hiện nay, tỷ lệ chi tiêu của người dân cho dịch vụ y tế và giáo dục trong tổng chi tiêu xã hội, bao gồm cả chi tiêu của Chính phủ, cao hơn so với các nước trong khu vực. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố “kinh tế thị trường” đang lấn át yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, sự gia tăng khoảng cách về thu nhập trung bình của hộ gia đình giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất, từ 8,34 lần năm 2006 lên 9,24 lần năm 2010, là nguyên nhân chính gia tăng chỉ số đo sự bất bình đẳng về thu nhập xã hội từ 0,42 năm 2004 lên 0,43  năm 2010.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đa số người lao động đang sống trong khó khăn, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng thu nhập của họ, kể cả tiền làm thêm, tăng ca, thưởng… chỉ khoảng 1,5-2,3 triệu đồng/tháng. Trong nền kinh tế thị trường phải chấp nhận những người giàu lên bởi chính họ là động lực để người nghèo “phấn đấu”. Song liệu người giàu có góp phần làm lan tỏa lợi ích cho xã hội, trong đó có người nghèo? Chính sách của Nhà nước chính là sự điều tiết để tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận công ăn việc làm và các dịch vụ xã hội. Đó chính là cái đích cuối cùng của sự tăng trưởng bền vững.