Hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng hệ thống giao thông thông minh, đô thị hiện đại

Cải cách hành chính, quản lý đồng bộ, tăng cường giám sát là điều cốt lõi của hệ thống giao thông thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thời đại diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một yêu cầu bắt buộc, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia xung quanh vấn đề trên.
Hình ảnh của camera giám sát sẽ được ghi lại và truyền về Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông Ảnh: LAM THANH

Hình ảnh của camera giám sát sẽ được ghi lại và truyền về Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông

Ảnh: LAM THANH

Không ứng dụng công nghệ, từ “ông chủ” sẽ trở thành “người làm thuê”

- PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động, hiệu quả và sự cần thiết của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay?

- Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Cần phải khẳng định việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng giao thông thông minh, đô thị hiện đại là xu thế tất yếu, khách quan, bắt buộc phải làm. Vì, nếu chúng ta không làm thì nó vẫn cứ diễn ra. Ví dụ như những dịch vụ chia sẻ, Grap, người Việt Nam có thích hay không thì nó vẫn cứ tràn vào. Nếu như chuẩn bị sẵn sàng thì chúng ta sẽ là “ông chủ”, nếu không đủ năng lực, chủ động thì sẽ là “người làm thuê” cho chính chúng ta, cho công nghệ.

Trong môi trường như hiện nay, nếu muốn cạnh tranh, chất lượng phải tốt, giá cả phải giảm, đúng với tất cả các sản phẩm, dịch vụ tại các thị trường. Nếu không áp dụng khoa học công nghệ thì chúng ta sẽ rất lạc hậu, kém phát triển so với khu vực và thế giới. Giao thông ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì giao thông vận tải, quản lý giao thông thông minh. Đây là động lực cũng như là mục tiêu mà chúng ta phải nhìn nhận.

Trên lĩnh vực giao thông thông minh rất rộng, có liên quan đến kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... Trong công tác quản lý, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, việc ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những giải pháp cần được thực hiện đầu tiên, đem lại hiệu quả cao nhất. Chúng ta có thể xây dựng tuyến đường hàng trăm đến vài nghìn tỷ đồng nhưng nếu không có ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, thì tuyến đường đó sẽ không phát huy hiệu quả, thậm chí ngược tác dụng, tắc vẫn hoàn tắc, tai nạn vẫn xảy ra. Ngược lại, chúng ta chỉ bỏ ra số tiền nhỏ đầu tư vào hệ thống camera, giao thông thông minh thì nó sẽ phát huy hiệu quả triệt để. Việc đầu tư này cũng rất nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả rất cao so với những giải pháp khác.

- Hiện nhiều tỉnh, thành phố lớn đã xây dựng hệ thống camera thông minh, tiến tới ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng giao thông thông minh, ông đánh giá hiệu quả và sự cần thiết của hệ thống camera này như thế nào?

- Đây là hướng đi hết sức đúng đắn và cần thiết, bởi thực tế không có quốc gia nào đủ nguồn lực, nhân lực bố trí lực lượng chức năng đi ra ngoài đường ở khắp nơi. Hiện những tuyến đường nào có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thì người dân vi phạm ít, còn không thì ngược lại. Điều đó chúng tỏ ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa cao; công tác giám sát, phát hiện và xử phạt cũng chưa thật sự hiệu quả. Chúng ta phải làm sao để người dân suy nghĩ trong đầu nếu như không chấp hành đúng thì sẽ bị xử phạt ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào trên đường. Để làm được điều đó thì không có cách nào khác đó là phải thiết kế hệ thống camera giám sát, xử “phạt nguội” rộng khắp, hiệu quả.

Hiệu quả của hệ thống camera đã được chứng minh rất rõ. Cách đây 5-7 năm, tại các đô thị lớn, lái xe taxi vi phạm rất nhiều, thậm chí vượt đèn đỏ, quá tốc độ... thì nay chúng ta thấy, gần như rất hiếm lái xe taxi dám vi phạm những lỗi này, bởi họ biết hệ thống camera giám sát, xử phạt lúc nào cũng giám sát chặt chẽ 24/24h tại các tuyến đường. Hệ thống camera này đã góp phần thay đổi rất lớn về nhận thức của lái xe. Tuy nhiên, hiệu lực trong việc xử phạt vẫn còn nhiều hạn chế, khi số lượng lái xe vi phạm đến chấp hành quyết định xử phạt khá thấp so với tổng số vi phạm được phát hiện. Tùy từng địa phương, trung bình tỷ lệ chấp hành thường dao động từ 20-50% trong tổng số vi phạm bị phát hiện, gửi thông báo vi phạm.

- Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Hệ thống camera chỉ là thiết bị, các giải pháp phần cứng không phải là vấn đề khi chúng ta có thể lắp đặt rất nhanh. Điều quan trọng là chúng ta phải thiết lập được nền tảng, trường dữ liệu thông tin phục vụ cho công tác giám sát, kiểm tra và xử phạt đối với các vi phạm qua hệ thống giao thông thông minh hoạt động hiệu quả này. Những nền tảng này đã có nhưng hiện nay việc thực hiện vẫn còn lỏng lẻo, chưa được đồng bộ, xuyên suốt. Vi phạm ô tô có thể dễ dàng phạt nguội, nhưng đối với xe máy thì khá bất cập, trong khi tỷ lệ phương tiện này chiếm rất cao.

Đối chiếu kinh nghiệm quốc tế, chúng ta phải nhận thấy việc cải cách thủ tục hành chính, quản lý đồng bộ, liên tục, chuyên sâu thì sẽ phát huy hiệu quả cao trong công tác giám sát, xử “phạt nguội”, mà đây là điều cốt lõi của hệ thống giao thông thông minh. Các nền tảng thông tin, hệ dữ liệu về quản lý phương tiện xử “phạt nguội” cần phải thiết lập, chuẩn hóa, liên kết... tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ chế chia sẻ thông tin, hình ảnh cần được thực hiện tốt hơn. Đầu tư camera chỉ cần một lần và chúng ta có thể phân quyền, phân cấp việc chia sẻ hình ảnh này cho các đơn vị, cơ quan chức năng. Cũng với đó, hành lang pháp lý phải được hình thành, xây dựng hết sức cụ thể.

Các bộ, ban, ngành cần tích hợp thông tin, dữ liệu, chia sẻ vào Cổng thông tin dịch vụ quốc gia

- Hiện tình trạng bỏ Giấy phép lái xe và mua bán, làm Giấy phép lái xe giả khá nhiều. Việc quản lý cần được tiến hành như thế nào để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thưa ông?

- Những vi phạm này đều đã được quy định cụ thể trong các văn bản xử lý vi phạm. Hiện nay chúng ta còn rất nhiều hạn chế trong việc chia sẻ dữ liệu thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng còn thấp. Phải nâng cao việc chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, xử phạt. Các bộ, ban, ngành cần tích hợp thông tin, dữ liệu, chia sẻ vào Cổng thông tin dịch vụ quốc gia. Các dữ liệu cần được mã hóa, điện tử, khi lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường chỉ cần “1 chạm” vào thiết bị điện tử sẽ kiểm tra toàn bộ lịch sử vi phạm, hoạt động giao thông...

- Lợi ích, thuận tiện và tác dụng của việc nộp phạt trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia như thế nào, thưa ông?

- Xu hướng triển khai Chính phủ điện tử là hết sức đúng đắn, cấp thiết. Tuy nhiên, hiện nay các hành lang pháp lý, công cụ hỗ trợ vẫn còn hạn chế để hỗ trợ cho người dân cũng như kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ, ban, ngành trong việc cập nhật, chia sẻ dữ liệu vẫn còn hạn chế. Chúng ta vừa triển khai việc nộp phạt trực tuyến vi phạm trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã có rất nhiều những tác động tích cực, giúp người dân thuận tiện đi lại, đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí, cũng như nâng cao hiệu quả công tác xử phạt.

- Ông đánh giá như thế nào việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đấu giá biển kiểm soát phương tiện trong phòng chống tiêu cực tham nhũng?

- Để thực hiện hiệu quả việc này, ngoài tăng cường các trang thiết bị hiện đại giảm thiểu sự can thiệp của con người; quy trình phải được thiết kế chặt chẽ. Giống như bài học các nước tiên tiến thế giới, họ thiết lập những quy trình hết sức chặt chẽ, làm sao để lực lượng thực thi nhiệm vụ không thể vi phạm, không dám vi phạm và không muốn vi phạm. Tăng cường trách nhiệm tốt, tăng cường giám sát và đồng nghĩa với việc tăng cường chế độ đãi ngộ tốt. Đấu giá biển kiểm soát phương tiện là hướng rất tốt bởi thế giới họ cũng đã làm rồi. Chúng ta cần xem xét tổng thể, kỹ lưỡng để khi thực hiện đảm bảo hiệu quả cao nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!