Cách nào phân biệt hàng giả - hàng thật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, nhiều trường hợp hàng giả có mẫu mã, bao bì đẹp hơn cả hàng thật khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt lê Hàn Quốc thật- giả về xuất xứ

Lãnh đạo Tổng cục QLTT hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt lê Hàn Quốc thật- giả về xuất xứ

Nhiều mặt hàng bị làm giả

Dù có diện tích khiêm tốn nhưng phòng trưng bày hàng giả- hàng thật của Tổng cục QLTT tại địa chỉ 62 Tràng Tiền- Hoàn Kiếm- Hà Nội cũng đã có đến hàng trăm mặt hàng.

Tại đây, lực lượng chức năng chỉ trưng bày hàng thật- hàng giả của những mặt hàng được tiêu dùng nhiều nhất, người tiêu dùng gặp phải thường xuyên nhất, như: rượu, thuốc lá, quần áo, trái cây, hóa mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, hàng tiêu dùng thiết yếu như: mì ăn liền, kem đánh răng, bánh kẹo…

Mất vài phút ngắm nghía, so sánh lê Hàn Quốc thật và lê Hàn Quốc giả khi 2 mặt hàng này đặt cạnh nhau, chị Hồng Nhung (Hoàng Mai- Hà Nội) vẫn nhận nhầm.

“Hai giỏ lê giống y hệt nhau nên khó mà phân biệt. Càng khó nhận biết hơn nếu người tiêu dùng như tôi ra cửa hàng trái cây chọn lựa, nhưng họ chỉ bán 1 loại, không có gì để so sánh”.

Tương tự, chị Minh Ngọc (Hoàn Kiếm- Hà Nội) cho cũng không phân biệt được võng xếp Duy Lợi thật và giả. Các loại vợt cầu lông Yonex, muối bột canh Hảo Hảo, kem đánh răng Sensodyne, nước uống Red Bull… nếu không được đặt biển thông báo trước đâu là thật, đâu là giả đều gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn.

Ông Trần Hữu Linh cho hay, hàng giả xuất phát từ 2 nguồn chính là nhập lậu từ nước ngoài, hàng xách tay giả và hàng giả được sản xuất ngay tại thị trường nội địa.

“Các đối tượng làm hàng giả dùng những công nghệ tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra và đánh lừa người tiêu dùng. Hàng giả có nhiều hình thức như: giả về bao bì, nhãn mác… loại này rất dễ nhận biết.

Nhưng có những loại hàng giả tinh vi hơn như: giả về công dụng thì rất khó nhận biết và chỉ khi người tiêu dùng mua về dùng thì mới phát hiện ra công dụng không như quảng cáo. Ngoài ra, còn giả về xuất xứ hàng hoá (như lê Hàn Quốc và lê Trung Quốc- PV), giả về tiêu chuẩn chất lượng”- ông Trần Hữu Linh nói.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, nhiều mặt hàng giả có mẫu mã, bao bì đẹp hơn cả hàng thật nên người tiêu dùng khó mà phân biệt.

Trong khi đó, các cửa hàng thường chỉ bán hàng giả hoặc hàng thật, không bán hàng giả- hàng thật song song, nên người tiêu dùng càng khó để so sánh sự khác biệt. Mua nhầm hàng giả, người tiêu dùng bị ảnh hưởng về sức khỏe, bị thiệt hại về vật chất và tinh thần…

Hàng thật và hàng giả rất giống nhau, nhưng võng xếp của hãng này không bán rong

Hàng thật và hàng giả rất giống nhau, nhưng võng xếp của hãng này không bán rong

Ngăn chặn hàng giả bằng cách nào?

Theo ông Trần Hữu Linh, cuối năm thường là dịp hàng giả lộng hành, đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống. Hàng tồn, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu sẽ dồn dập quay lại thị trường.

Do đó, Tổng cục QLTT đã ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhằm góp phần đem lại cho người dân có một cái Tết an toàn.

Dù vậy, ông Trần Hữu Linh cho rằng, việc chống hàng giả hiện còn nhiều khó khăn. “Việc kiểm tra xử lý hàng giả, hàng nhái mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, còn lại việc quan trọng nhất là làm sao để tuyên truyền cho người dân, người tiêu dùng mua hàng biết cách phòng tránh.

Hơn nữa, hàng giả hiện đang thể hiện ở nhiều hình thức, đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, cập nhật. Đặc biệt về phía doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm thì nên có ý thức phối hợp với cơ quan chức năng để có thể có cách phòng chống sớm, thay vì cách ngại không báo”- ông Trần Hữu Linh nói.

Theo đó, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là lực lượng chức năng ở khu vực biên giới. Khi hàng giả đã thẩm lậu vào nội địa và hàng giả sản xuất trong nội địa thì công tác nắm bắt thị trường địa bàn, tiếp nhận thông tin từ người dân, doanh nghiệp phản ánh rất quan trọng.

Về chế tài xử phạt, lãnh đạo Tổng cục QLTT cho rằng cần mạnh hơn để tăng tính răn đe hơn nữa để các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái chùn bước trước những lợi nhuận do sản xuất hàng giả, hàng nhái mang lại.

Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc “bài trừ” hàng giả. Đặc biệt, với nhiều mặt hàng, người tiêu dùng chỉ cần chú ý thêm là tự phân biệt được, chẳng hạn như: có nhiều hãng mỹ phẩm chỉ sản xuất 1 loại bao bì, thông tin này được công bố rõ ràng nên sản phẩm cùng tên, trùng thông tin nhưng bao bì khác là hàng giả;

Có mặt hàng như vợt cầu lông, rượu… thì nhà sản xuất chính hãng đều có dụng cụ giúp người dùng kiểm tra tem hàng thật- hàng giả ngay tại cửa hàng; Có mặt hàng như võng xếp Duy Lợi chỉ bán ở cửa hàng chính hãng, không bán rong…

Từ ngày 25/11- 30/11/2022, Tổng cục mở cửa phòng trưng bày hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm. Người tiêu dùng đến thăm quan, tìm hiểu thông tin miễn phí. Tại đây, Tổng cục QLTT trưng bày nhiều hàng hoá có nhu cầu mua sắm lớn của người dân vào dịp cuối năm, Noel, Tết dương và Tết Nguyên Đán, như: mỹ phẩm, nước hoa, kem đánh răng, đồ uống, thực phẩm chức năng, nước giải khát, bánh kẹo… nhằm giúp người dân biết cách cơ bản để nhận diện được hàng thật- giả để phòng tránh;

Từ đó, giúp đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm. Đặc biệt, việc trưng bày hàng thật - hàng giả cũng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.