“Cách mạng hoa nhài”

(ANTĐ) - Tòa án Hiến pháp Tunisia ngày 15-1 đã quyết định bãi nhiệm Tổng thống Ben Ali, người bị lật đổ vì các cuộc biểu tình và bạo động chống ông - được giới truyền thông gọi là cuộc “Cách mạng hoa nhài”. Đây cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên trong thế giới Arab bị lật đổ bởi biểu tình của nhân dân.

“Cách mạng hoa nhài”

(ANTĐ) - Tòa án Hiến pháp Tunisia ngày 15-1 đã quyết định bãi nhiệm Tổng thống Ben Ali, người bị lật đổ vì các cuộc biểu tình và bạo động chống ông - được giới truyền thông gọi là cuộc “Cách mạng hoa nhài”. Đây cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên trong thế giới Arab bị lật đổ bởi biểu tình của nhân dân.

Bạo loạn chống đối ông Ben Ali ở Thủ đô Tunis
Bạo loạn chống đối ông Ben Ali ở Thủ đô Tunis

Tunisia quốc gia Arab ở Bắc Phi đang rung chuyển vì bạo lực và rối ren khiến Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali phải chạy ra nước ngoài. Thông tin mới nhất cho biết, cựu Tổng thống Ben Ali cùng gia đình hiện đang tá túc tại Arab Saudi. Trước đó, ông Ben Ali đã buộc phải tuyên bố từ chức vào đêm 14-1 rồi lập tức lên máy bay chạy khỏi đất nước khi cuộc bạo loạn chống đối vượt tầm kiểm soát.

Bất ổn tại Tunisia bùng phát dữ dội từ ngày 17-12-2010 sau khi Mohamed Bouazizi, một thanh niên tốt nghiệp đại học song thất nghiệp, phải phẫn uất tự thiêu vì bị cảnh sát tịch thu hàng rau quả của mình. Vụ tự tiêu đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình, bạo loạn dữ dội.

Thực ra vụ tự thiêu chỉ là giọt nước làm tràn ly sự bất bình lâu nay của người dân với Tổng thống Ben Ali. Lên cầm quyền năm 1987, ông từng có thành tựu đáng kể khi mang lại phồn vinh cho đất nước song sa sút kinh tế, đặc biệt là tham nhũng, khiến sự chống đối của người dân ngày càng tăng.

Chính vì thế mà làn sóng biểu tình thoạt đầu chỉ có giới trẻ tham gia nhưng đã nhanh chóng lan ra khắp các tầng lớp xã hội từ thủ đô đến nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Không khí biểu tình sôi sục khiến các tổ chức đối lập ở Tunisia đã lần đầu tiên lên tiếng kêu gọi giải tán chính phủ, thành lập nội các đoàn kết dân tộc.

Sự đàn áp người biểu tình của chính quyền Tổng thống Ben Ali những ngày đầu chẳng những không dập tắt mà còn khiến ngọn lửa biểu tình bốc cháy dữ dội hơn, biến thành bạo loạn. Đã có hàng chục người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Nhằm xoa dịu người dân và cứu vãn chế độ của mình, ông Ben Ali đã cách chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ Rafik Belhaj Kacem, người chỉ huy lực lượng đàn áp biểu tình chủ yếu song không thể làm dịu tình hình. Thậm chí biện pháp cuối cùng là ban bố tình trạng khẩn cấp cũng vô hiệu nên ông Ben Ali không còn lựa chọn nào khác là từ chức và tháo chạy.

Theo Hiến pháp Tunisia, Chủ tịch Quốc hội Foued Mebazaa đã đảm trách quyền điều hành đất nước và tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 60 ngày. Quyền Tổng thống Mebazaa cũng ngay lập tức yêu cầu Thủ tướng Mohammed Ghannouchi thành lập một chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc để lãnh đạo đất nước cho tới khi bầu được chính quyền mới.

Lo ngại tình hình hỗn loạn tại Tunisia, nhất là sau khi 42 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong vụ hỏa hoạn tại một nhà tù ngày 15-1, Liên đoàn Arab (AL) và Liên minh châu Âu (EU) đã cùng kêu gọi tất cả các bên ở Tunisia kiềm chế và bình tĩnh nhằm tránh thương vong và bạo lực. EU khẳng định sự hợp tác, giúp đỡ các bên ở Tunisia trong việc tìm kiếm giải pháp hoà bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Hoàng Tuấn