Các yếu tố bảo mật của thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử được thiết kế trên phần mềm chuyên dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Viện Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) vừa tổ chức hội thảo cấp Quốc gia lấy ý kiến của các Bộ, Ban, ngành về mẫu thẻ Căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử .

Thiếu tướng TS. Lê Minh Quý, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ chủ trì Hội thảo. Cùng dự Hội thảo có các đồng chí đại diện các đơn vị chức năng của 23 Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an…

Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp quý báu liên quan đến thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp quý báu liên quan đến thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi ý kiến để kết hợp, thống nhất với các Bộ, Ban, ngành về nhu cầu sử dụng đối với mẫu thẻ CCCD có gắn chíp điện tử, giúp Bộ Công an hoàn chỉnh mẫu thẻ CCCD, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế chung của đất nước, tránh lãng phí đầu tư.

Tại hội thảo, đại diện đơn vị chủ trì đã thuyết trình về ý tưởng thiết kế mẫu thẻ CCCD gắn chíp dựa trên cơ sở kế thừa, phát huy những ưu điểm của thẻ CCCD cũ và qua nghiên cứu mẫu của một số nước trên thế giới.

Không chỉ thể hiện chủ quyền Quốc gia, truyền thống lịch sử văn hoá, địa lý của đất nước, thẻ CCCD gắn chíp điện tử đảm bảo các quy định của Quốc hội về CCCD và các tiêu chuẩn như: Thẻ định danh – đặc tính vật lý; Thẻ định danh-Thẻ mạch tích hợp…

Mẫu thẻ CCCD gắn chíp có nhiều ưu điểm như: thẻ CCCD mới được gắn chíp tích hợp tiếp xúc và không tiếp xúc; sử dụng song ngữ; tăng thêm tính bảo mật của CCCD; thuận tiện trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu, dân cư; truy quét tội phạm; tiện dụng cho người sử dụng trong việc giao dịch điện tử; có nhiều ứng dụng trong quản lý Nhà nước và trong việc xây dựng Chính phủ điện tử; có độ bền cao; phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thẻ trên thế giới.

Đặc biệt, các yếu tố bảo mật, bảo an chống làm giả được thiết kế trên phần mềm chuyên dụng của hiệp hội về bảo mật, bảo an quốc tế và chỉ cung cấp cho cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện công tác này. Ngoài ra còn có một số yếu tố bảo mật, bảo an chống làm giả chỉ có thể được phát hiện và xác thực trong phòng thí nghiệm với thiết bị chuyên dụng của Viện Khoa học và Công nghệ…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất ý kiến về phương án lưu trữ, sử dụng và tích hợp thông tin trên chíp điện tử đáp ứng các yêu cầu bảo mật, bảo an của Việt Nam và quốc tế, giúp nước ta tăng cường hội nhập Thế giới.

Gần 20 ý kiến phát biểu, tham luận tại hội thảo tập trung xoay quanh, làm rõ các nhóm vấn đề: tốc độ xử lý của chíp phải đáp ứng các yêu cầu thông tin và kiểm tra bảo mật với tốc độ cao, cho phép thực hiện các thuật toán bảo mật, mã hoá phức tạp; bộ nhớ lưu trữ cần phải đủ lớn để đáp ứng yêu cầu lưu giữ lượng thông tin lớn, mức bảo mật phần cứng cao để ứng dụng cho nhiều mục đích của các nhà cung cấp dịch vụ và chủ sở hữu…

Độ bền cơ, lý, hoá học cho phép sử dụng phù hợp với thực tế cấp, đổi mới thẻ CCCD và đồng bộ giữa chíp và các loại vật liệu khác. Ngoài ra, thẻ CCCD gắn chíp phải phù hợp với thời tiết, khí hậu và cơ sở hạ tầng Việt Nam; sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong thực tế và bảo đảm chất lượng tốt; các thông số kỹ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn ISO/IEC, TCVN cần thiết; hiệu quả về mặt sử dụng, kinh tế và chiến lược phát triển trong thời gian tới…