Các nước Baltic lập hệ thống phòng không chung đối phó Nga

ANTĐ - Ngày 28-5, bộ trưởng quốc phòng các nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva đã đạt được thỏa thuận tại Litva về việc tăng cường hợp tác quốc phòng và nghiên cứu khả năng thiết lập 1 hệ thống phòng không chung để đối phó Nga.  

Sau cuộc gặp tại thành phố Panevezys, miền Bắc Litva, sự kiện có cả sự tham dự của người đồng cấp Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Juozas Olekas, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Sven Mikser và Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Raimonds Vejonis đã ký kết một Thông cáo chung, theo đó các bên đã đạt được thỏa thuận về một kế hoạch dự thảo phát triển một hệ thống phòng không tầm chung vào mùa thu năm nay.

Bộ trưởng Juozas Olekas cho biết trong cuộc họp báo sau đó rằng: "Chúng tôi có kế hoạch nghiên cứu khả năng phát triển 1 hệ thống phòng không tầm trung để tăng cường năng lực phòng thủ chung nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Những mối đe dọa này khiến chúng tôi hợp tác nhiều hơn."

Các nước Baltic cân nhắc lập hệ thống phòng không chung (Ảnh minh họa)

Tại cuộc hội đàm, các bộ trưởng quốc phòng Baltic cũng đã nhấn mạnh cần phải có những hành động quyết định trong việc phát triển những khả năng phòng thủ quan trọng tại các quốc gia Baltic và đồng ý tăng cường hợp tác an ninh giữa các nước này cũng như với Ba Lan.

“Sự hợp tác quốc phòng khu vực giữa các nước Baltic có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, cam kết an ninh là sự đoàn kết của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Litva tuyên bố.

Thông cáo chung còn bao gồm những cam kết như ủng hộ binh lính đồng minh triển khai tại các nước này và khả năng tiến hành các cuộc diễn tập huấn luyện quân sự chung trong khu vực, cũng như việc cải thiện hợp tác giữa các hệ thống tìm kiếm và cứu nạn trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp tại mỗi nước.

Ngoài ra, theo ông Olekas, bộ trưởng quốc phòng các nước Baltic còn nhất trí sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong việc phát triển các lực lượng vũ trang và cải cách lĩnh vực quốc phòng.

NATO đã bảo vệ vùng trời của 3 quốc gia vùng Baltic kể từ năm 2004, khi họ gia nhập liên minh quân sự này trong bối cảnh có những quan ngại về an ninh không phận của họ và tình trạng thiếu thốn lực lượng không quân để kiểm soát không phận.