Các ngân hàng muốn sớm được khai thác dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp để hạn chế rủi ro

ANTD.VN - Các tổ chức tín dụng kiến nghị sớm có hướng dẫn để được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn, minh bạch, kịp thời phát hiện gian lận, lừa đảo.

Đây là một trong những nội dung được các tổ chức tín dụng nêu ra tại Tọa đàm Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng và những kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hôm nay, 15/12.

Theo đó, tổng hợp ý kiến của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giao dịch ngân hàng điện tử, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cho rằng, trong thời đại hiện nay, việc TCT được tiếp cận với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp, tài sản, đất đai, thuế…có giá trị to lớn trong việc đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, an toàn, phòng ngừa rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội.

Chưa thể tiếp cận, khai thác hệ thống dữ liệu chung của quốc gia khiến các tổ chức tín dụng phải tự xây dựng hệ thống dữ liệu cho riêng mình

Chưa thể tiếp cận, khai thác hệ thống dữ liệu chung của quốc gia khiến các tổ chức tín dụng phải tự xây dựng hệ thống dữ liệu cho riêng mình

Tại Điều 58 Luật Công nghệ thông tin quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia có quy định: “...Tổ chức, cá nhân có quyền truy nhập và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...”.

Điều 8 Nghị định 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân cũng quy định: “Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn”.

Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp, tình trạng pháp lý, báo cáo tài chính và các thông tin khác của doanh nghiệp lưu giữ tại Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho các cơ quan có liên quan của Chính phủ, tổ chức, cá nhân có yêu cầu”.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, mặc dù đã có văn bản luật và Nghị định, tuy nhiên, đến nay các Bộ ngành chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc các khai thác, phương thức khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia của các TCTD.

Thực trạng này dẫn đến các TCTD hiện nay đang xây dựng hệ thống dữ liệu riêng cho từng TCTD mà không thể tiếp cận, khai thác hệ thống dữ liệu chung của quốc gia, không đảm bảo tính an toàn, minh bạch, không kịp thời phát hiện các trường hợp gian lận, lừa đảo qua hệ thống ngân hàng, gây tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội.

Do đó, các TCTD kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị các Bộ hướng dẫn việc các TCTD được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp thông qua cổng kết nối trực tiếp với các TCTD.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định Luật các TCTD về việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác (đất đai, tài sản, thuế…) để góp phần minh bạch, lành mạnh hóa nền kinh tế.